18 vị La hán chùa Tây Phương, tác phẩm kinh điển của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam

Thứ năm, 13/10/2022 15:39
(ĐCSVN) - Chùa Tây Phương một di sản văn hóa đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc truyền thống. Hệ thống tượng Phật ở đây có 64 pho tượng niên đại thế kỷ XVIII, XIX, phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử. Bằng sự sáng tạo vượt qua mọi chuẩn mực, các bức tượng - tiêu biểu là 18 vị La Hán chùa Tây Phương đã trở thành tác phẩm kinh điển của nghệ thuật cổ Việt Nam.

Chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, năm Giáp Dần (1554) đời Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) niên hiệu Quang Bảo năm thứ nhất, chùa Tây Phương đã được làm quy mô như ngày nay. Sau đó tu sửa và tạc thêm tượng trong một số triều đại phong kiến thời Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông.

Chùa Tây Phương là một quần thể gồm các hạng mục Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, chùa Tây Phương có giá trị rất lớn bởi quần thể những pho tượng phật giáo có niên đại hàng trăm năm về lưu giữ tại chùa. Theo tài liệu, chùa Tây Phương có tổng cộng 64 pho tượng, trong đó có 34 pho tượng đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2014.

Mái chùa Tây Phương có thiết kế đặc biệt theo kiểu chồng diêm, chồng xếp lên nhau hai tầng, tám mái. Những mái đao nhô lên cong vút, trên đó tạc hình các linh vật long, ly, quy, phượng. Chùa Tây Phương được xây dựng trên vùng đất có nghề làm mộc truyền thống, bởi vậy ở chùa có rất nhiều bức phù điêu chạm trổ tinh xảo, các hay trang trí, nội dung mô phỏng các điển tích về nhà phật, hay thể hiện đời sống, tín ngưỡng người dân.

leftcenterrightdel
Chùa Tây Phương còn gọi là Sùng Phúc Tự nơi có cảnh quan thanh cao, huyền thoại, được ví như cõi Tây Phương cực lạc. 

Tại chùa hạ, công trình nằm sát chân núi, được thiết kế với 4 trụ biểu: 2 trụ giữa nhô cao, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đế thắt cổ bồng; 2 trụ bên kết cấu tương tự, đỉnh trụ đắp búp sen, 3 mặt để trống. Khách thăm có thể thấy ba ngôi tam bảo bề thế, phía trên là chùa trung và chùa thượng. Phần mái chùa hạ được thiết kế đặc biệt, với hai lớp ngói, ở lớp ngói thứ nhất những viên ngói được thiết kế như những chiếc lá đề in nổi, tầng thứ hai là phần ngói lót được thiết kế những ô vuông mầu ngũ sắc hình tượng mầu sắc chiếc áo cà sa nhà phật.

Tại chính điện chùa Hạ, thờ Đức Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, còn gọi là đức phật Quan âm bồ tát, hai bên có hai hàng vế đối “Bách như thiên thủ nhãn trang nghiêm thành phật tướng/không thị sắc bách kim vi diệu hiện tử tâm”. Thể hiện sự trang nghiêm của đức Phật, có hạnh nguyệt đại từ đại bi. Cùng đó hai bên của ngài có hai thiện nam và thiện nữ là những người đi theo giúp việc ngài.

Khu vực thứ hai ở chính điện chùa Hạ có bộ tượng Bát bộ kim cương gồm tám vị thiên binh, thiên tướng bài trí hai bên khu vực chính điện. Đây là những bảo vật có giá trị đặc biệt do các nghệ nhân làng mộc Chàng Sơn điêu khắc vào thế kỷ 17, 18. Mỗi vị Kim cương được tạo tác với tư thế một tay đặt thế quyền, một tay cầm pháp khí kim cương, chân đạp trên những đám mây với tư thế uy nghi, hùng dũng, hiện thân cho sức mạnh phật pháp, gia hộ cho phật pháp. Bộ tượng Bát bộ kim cương cũng nằm trong số 34 pho tượng được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia của chùa Tây Phương.

Tại chính điện chùa Trung, trên cùng cao nhất là Tây phương Tam Thánh, ở chính giữa là Đức Phật A Di Đà trong tư thế phổ độ chúng sinh, đứng bên trái ngài là Bồ-tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh (tượng trưng cho trí tuệ), đứng bên phải ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy (tượng trưng cho từ bi).

Ở hàng thứ hai gồm Thích ca tam Thánh, bao gồm: Đức Phật Thích Ca ở giữa, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu bên phải và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà hầu bên trái.

Tiếp theo là Long Hoa Tam thánh ở hàng thứ ba, ở giữa là đức phật Di lặc, vị phật đại diện cho thế giới tương lai, giác ngộ toàn bộ về tư tưởng và trí tuệ với khuôn dung hoan hỷ. Bên tay trái ngài Di lặc là Tôn giả Ca Diếp, bên tay phải ngài là Tôn giả A Nan. Đây là hai pho nằm trong số 18 pho tượng nổi tiếng của chùa Tây Phương.

Tại chính điện chùa Thượng, ba ngôi ở trên cùng cao nhất, mỗi vị ở đây đại diện cho một nghìn vị phật trong kiếp quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc bài trí những ngôi tượng theo hàng dọc có ý nghĩa về những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của các vị đức Phật. Ngoài ra ở hàng thứ hai, bài trí bộ “Thập điện diêm vương” - 10 vị vua cai quản cõi âm tào địa phủ, những vị làm lẽ công bằng cõi luân hồi, với ý nghĩa giáo dục con người tích đức, hành thiện.

leftcenterrightdel
 Các vị La hán trong số 18 vị La hán - Bảo vật Quốc gia ở Tây Phương.

Theo quan điểm phật học, các vị la hán chùa Tây Phương được coi là những vị “phật tổ kế đăng” giữ vai trò kế tiếp, đăng quang ngôi vị đứng đầu phật pháp. Chùa Tây Phương đang lưu giữ 18 vị phật tổ trong 28 vị Phật toàn giác trong quá khứ, đó là điều đặc biệt về những pho tượng La hán ở chùa Tây Phương.

Theo giới thiệu về di tích, quá trình thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại chùa Tây Phương, năm 1968 trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, Nhà nước ta đã chủ trương lưu giữ những bức tượng quý giá ở chùa Tây Phương, di dời các pho tượng cổ ở chùa về nơi an toàn, đồng thời cho chế tác những pho tượng như nguyên mẫu và trưng bày tại chùa trong thời gian từ năm 1968 đến 1975. Năm 1976, các pho tượng cổ mới được đưa trở lại đặt tại chùa Tây Phương.

Còn những pho tượng tại chùa từ năm 1968 đến năm 1975 đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học (Ba Đình - Hà Nội). Với 18 bức tượng La hán cổ của chùa Tây Phương đã được đưa về trưng bày tại hai bên chính điện chùa Thượng, mỗi bên 9 vị. Năm 2014, bộ 18 vị La hán cùng một số pho tượng khác gồm tất cả 34 pho tượng của chùa Tây Phương đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Để cảm nhận trọn vẹn về chùa Tây Phương, du khách và người hành hương đến tận nơi mới thấy hết được những giá trị lịch sử, văn hóa lớn lao tại nơi đây. Hiện nay nhân dân địa phương vẫn lưu giữ Lễ hội chùa Tây Phương, được tổ chức vào ngày 6-3 Âm lịch, hoạt động dân gian này lưu giữ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, ẩn chứa và phô diễn những nét đẹp văn hóa ngàn năm của nền văn hóa Việt đa dạng và lung linh sắc mầu.

N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực