Âm vang tiếng đàn Abel giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ năm, 14/04/2022 16:54
(ĐCSVN) - Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, bền bỉ với thời gian, trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa quý giá cho cộng đồng... Đặc biệt, trong các loại nhạc cụ thì Abel là loại đàn độc đáo, thường dùng để trai gái tỏ tình nên người Cơ Tu còn gọi là cây “đàn tình yêu”.
 Già làng Nguyễn Văn Cần chơi đàn Abel trên cánh đồng làng

Thoạt nhìn, đàn Abel giống đàn cò của người Kinh. Ðế đàn được làm từ mảnh gỗ mỏng khoảng 1cm, dài khoảng 15cm. Thân đàn là một ống lồ ô già dài khoảng 30cm, đường kính độ 3cm. Một đầu ống lồ ô gắn vào đế đàn, đầu kia trống, là nơi cất cần đàn (dây kéo) khi không sử dụng. Có khi bên ngoài cây đàn được các nghệ nhân chạm trổ hoa văn rất đẹp. Phần trên của đàn được khoét một lỗ, xuyên cái chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn. Từ đây, một sợi dây đàn (dây thép hoặc dây cước) được buộc vào chốt và chạy song song với thân đàn (ống lồ ô). Ngoài ra, từ chỗ tiếp giáp giữa đế và thân đàn, một sợi chỉ dài hơn thân đàn được gắn vào giữa miếng vảy trút (vảy con trút) hình tròn.

Đàn được tấu theo hai cách. Cách thứ nhất: dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn, âm thanh phát ra như những cây đàn khác. Cách thứ hai rất độc đáo. Như cách thứ nhất, nhưng người sử dụng có thêm "công đoạn" dùng hai hàm răng cắn miếng vảy trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng, đồng thời hát (hát trong khi hai hàm răng vẫn cắn chặt miếng vảy trút). Âm thanh sẽ lớn hơn và cũng quyến rũ hơn.

Người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn lấy vợ, lấy chồng hơi muộn, khoảng trên dưới 30 tuổi, vợ chồng mới làm lễ ăn giùm (pazum), mà người kinh gọi là động phòng. Ở đây, có tục "đi sim" (vốch zong), nghĩa là trai, gái đến tuổi trưởng thành có quyền tìm hiểu nhau, có thể rủ bạn tình lên nhà moong, lên chòi trên rẫy, cùng nhau tâm sự suốt đêm. Người con trai Cơ Tu mang theo cây đàn tình yêu Abel để cùng bạn gái vừa chơi đàn vừa hát trong không gian rất riêng, trữ tình và lãng mạn. Song họ vẫn giữ được sự quan hệ trong sáng, không chàng trai nào dám đi quá giới hạn.

“Tuy nhiên, trong quan hệ nam nữ, ít có trường hợp vượt qua "ngưỡng", vì theo luật tục của người Cơ Tu bao đời, nếu trai gái có quan hệ tình dục, có thai trước lễ cưới (bhiệc kđiêl), thì hai người sẽ bị phạt bằng trâu, heo, ché... rất nặng, thậm chí, người phụ nữ sẽ bị đuổi vào rừng sâu, cách biệt với cộng đồng…” - Già làng Nguyễn Văn Cần tâm sự.

 Nhờ tiếng đàn tình yêu mà già làng Đinh Văn Bớt cùng vợ nên duyên vợ chồng

Già làng Alăng Avel (85 tuổi), ở thôn Tà Làng, xã Bhalee (Tây Giang – Quảng Nam) - một cư dân sống lâu đời ở Trường Sơn cho biết: "Đây là cây đàn để trai trong làng thổ lộ với bạn gái về tình yêu, nỗi nhớ của mình, khi không thể ngỏ bằng lời. Ngày trước, đa số trai gái Cơ Tu nên duyên chồng vợ đều nhờ cây đàn này...". Còn theo già làng Đinh Văn Bớt (66 tuổi), trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam): "Hồi trước, ngay giữa làng, lũ làng dựng lên cái nhà chòi rất cao, với bốn cây cột bằng kiền kiền gọi là nhà moong. Đến tối, trai làng chưa vợ thường tập trung lên đây để ngủ hoặc "ngủ sim". Nếu hai người để ý nhau, họ hẹn hò, mang theo cây đàn Abel và trèo lên nhà moong hoặc ra khe suối... để chơi đàn, tha hồ "hát không há miệng"!

Ngày nay, tuy tuổi đã cao, nhưng thỉnh thoảng già Đinh Văn Bớt cùng vợ là Alăng Thị Nhá (60 tuổi) mang đàn Abel ra hát, để ôn lại những bài tình ca say đắm một thời...

Đàn Abel có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái ngậm miếng vảy trút vào răng và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng thì phải cắn chặt miếng vảy trút. Hai tâm hồn, hơi thở hòa quyện vào nhau, lâng lâng, bồng bềnh trong lời ca tiếng nhạc, nên đàn Abel có sức quyến rũ kỳ diệu với con trai, con gái Cơ Tu ở tuổi yêu đương.

Theo già làng Alăng Avel, người biết chơi đàn Abel hiện nay rất hiếm, lớp trẻ bây giờ không chịu học, đàn có nguy cơ thất truyền, người già biết chơi đàn này thì lần lượt ra đi, hình ảnh sinh động khi chơi đàn đã mất dần trong sự lãng quên của dân làng.

Bài, ảnh: K.C

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực