|
Hồ Chủ tịch nói chuyện với hơn 10 vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang ngày 26/3/1963 |
Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi hôm 8/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”. Ngay ngày hôm sau, Báo Nhân Dân, số 2757, đã đăng bài nói chuyện này của Bác.
Thực hiện huấn thị của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nghị quyết số 24 khóa IX của Đảng về công tác dân tộc đề ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị, năng lực công tác và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; có cơ cấu, số lượng cán bộ phù hợp trong hệ thống chính trị”.
Thực hiện chính sách về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đã thực sự được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là người địa phương có năng lực chuyên môn, am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo địa hình, ngôn ngữ đã giúp cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương. Đáng chú ý, công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, góp phần tích cực vào sự phát triển của các địa phương miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi với miền xuôi.
|
Đồng bào dân tộc Mông tại Hà Giang bội trong niềm vui mùa gặt. |
Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% vào cuối năm 2015 xuống còn 3,75% vào cuối năm 2019 và dưới 3% trong năm 2020 (đây là mức giảm nghèo đa chiều nhanh so với thế giới), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Việt Nam trở thành hình mẫu thành công trên thế giới về xóa đói giảm nghèo và là một trong số 30 quốc gia áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc cũng đang thực hiện dự án “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Hy vọng dự án sẽ góp phần phát triển cả về chất và lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.