Bánh a quát của đồng bào Tà Ôi

Thứ sáu, 10/06/2022 16:49
(ĐCSVN) – Mỗi dịp về với “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, tại (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) khách thăm lại có dịp thưởng thức hương vị đặc biệt của bánh a quát – món bánh “tình yêu” của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Đây được xem là món ăn mà đồng bào dùng để thiết đãi khách quý và có mặt trong hầu hết các lễ hội, dịp trọng đại của dân tộc mình.

Có dịp tham dự Tết Aza của người Pa Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của huyện vùng cao A Lưới. Du khách được chị Viên Thị Kết nhiệt tình mời dùng thử những chiếc bánh a quát còn nóng hổi và tìm hiểu những điều thú vị trong đời sống, văn hóa của người Pa Cô.

''Tết Aza không thể thiếu bánh a quát, đây cũng là chiếc bánh dùng trong các lễ hội và ngày cưới của người Tà Ôi. Những cặp bánh a quát mang ý nghĩa là món quà hồi môn các cô gái làm để mang về nhà chồng. Khi con gái về nhà chồng, người mẹ tới thăm cũng không thể thiếu những chiếc bánh thơm thảo này'', chị Kết cho biết.

Theo truyền thuyết người Tà Ôi, bánh a quát gắn với huyền tích tình yêu của chàng A Chích và nàng Pê-chôn; về sức mạnh lao động và trí tuệ của chàng Ta-tưi; ẩn chứa những nghi lễ, phong tục, tập quán lâu đời của hai cộng đồng người Tà-ôi và Pa Cô ở đại ngàn Trường Sơn. Những yếu tố tạo nên sự đặc sắc trong văn hóa của hai cộng đồng người này, đằng sau đó là điểm nhấn cho sự bình dị, mộc mạc và những gì gắn với cuộc sống của người Tà Ôi. 

 Các cô gái dân tộc Tà Ôi gói bánh A Quát trong ngày vui của cộng đồng.

Điều đáng quý ở bánh a quát của đồng bào Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế dùng để mời khách chính là luôn có đôi, có cặp được gọi là bánh “tình yêu”. Chiếc bánh do các cô gái Pa Cô làm với sự cần mẫn chăm chút cho ngày vui cộng đồng là một nét đẹp bao đời nay của đồng bào Tà Ôi nơi đại ngàn Trường Sơn. Những dịp nó được sử dụng, là các sự kiện của cộng đồng người Tà Ôi như: Lễ mừng lúa mới, nghi lễ với tổ tiên, lễ tạ ơn trời đất, đãi khách quý, Tết Nguyên Đán... Những thời điểm xuất hiện nói lên giá trị của bánh a quát trong đời sống, văn hóa của người Tà Ôi.

Bánh a quát được đồng bào Tà Ôi gói bằng lá a ting, theo tiếng Kinh gọi là lá đót. Gạo làm bánh là gạo nếp than. Với người Tà Ôi, nếp than là loại nếp quý nhất và cũng là nguyên liệu duy nhất làm nên món bánh đặc trưng này. Hạt nếp than bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi xay ra cũng có màu đen, đun lên vẫn giữ được màu sắc và có độ dẻo dính, hương thơm đặc biệt. Đây là loại gạo mà người Tà Ôi gọi là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của Giàng...Trong quá trình giã gạo, các cô gái Tà Ôi cố gắng giã thật đều tay để hạt nếp không gãy vụn, sau đó sàng sảy để chọn lại. Theo giải thích một số người Tà Ôi, điều này thể hiện sự vẹn toàn trong tình yêu của đồng bào qua những tích truyện từ xưa.

Đặc biệt, trong lễ cưới, nhà trai không làm bánh a quát mà chỉ có nhà gái làm đãi khách và làm quà cho nhà trai. Những cặp bánh a quát được những cô gái Tà Ôi chọn làm món quà hồi môn, mang về nhà chồng. Người mẹ khi tới thăm gia đình con gái đã đi lấy chồng cũng không thể thiếu những tấm bánh thơm thảo này. Bởi vậy ngay từ nhỏ, các bé gái người Tà Ôi đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm bánh a quát.

Những chiếc bánh dẻo thơm, vị ngọt bùi mang hương vị của núi rừng khiến người ta dễ dàng cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc, nồng hậu trong đời sống, văn hoá của người Tà Ôi. Nhất là hình tượng về một tình yêu thủy chung, sắt son của người Tà Ôi nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực