Bảo tồn đường cổ nghìn năm tuổi ở Mỹ Sơn

Thứ sáu, 07/06/2024 16:10
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, đơn vị vừa có buổi làm việc với Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ học nhằm bàn phương án bảo tồn cấp thiết hiện trạng hố khai quật đường dẫn tháp K khu đền tháp Mỹ Sơn, tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
 Ban Quản lý Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn  xuống thực địa để  xây dựng phương án bảo vệ hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.

Sau khi quan sát địa hình, đánh giá hiện trạng thực tế, vị trí hố khai quật trũng thấp tiềm ẩn tác hại từ mùa mưa lũ trong thời gian tới, các bên đã thảo luận và thống nhất đưa ra giải pháp để xây dựng phương án bảo tồn cấp thiết hố khai quật đường dẫn tháp K và trình các cấp thẩm quyền cho phép triển khai. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra như: Đào rãnh cắt nước mưa từ các sườn đồi phía Bắc, làm thoát nước ngầm từ hố khai quật ra bên ngoài, làm nhà bao che, bảo tồn gia cố các khối xây gốc đường dẫn đã được phát lộ.

Vật liệu, chất liệu can thiệp vào gia cố phải tương thích với vật liệu gốc. Nhà bao che vừa đảm bảo chức năng bao che di tích vừa phù hợp với cảnh quan đồng thời thuận lợi trong việc phục vụ tham quan di tích. Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, nếu được các cấp thẩm quyền đồng ý và cho phép triển khai, đơn vị mong muốn việc thực hiện phương án bảo tồn cấp thiết hoàn thành trước trung tuần tháng 7.2024 (trước mùa mưa lũ) nhằm bảo tồn hiệu quả các yếu tố gốc sau khai quật, tránh trường hợp mưa gió, bão lũ sẽ làm tổn hại, trôi gạch, ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích.

Hiện trường hố khai quật kiến trúc đường dẫn. 

Được biết, sau khi Bộ VHTTDL cho phép Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K vào tháng 3.2024, khi phát hiện những hiện vật, những di chỉ xung quanh khu vực tháp K đã tiến hành giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn; những hiện vật có nguy cơ bị thất lạc, bị cuốn trôi trong mùa mưa bão sẽ đưa về kho để bảo quản với tinh thần luôn luôn bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc tại khu vực tháp K. Sau đợt khai quật nói trên, Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tập trung vào vấn đề bảo vệ, bảo tồn theo nguyên tắc bảo tồn yếu tố gốc. Sau khi đảm bảo việc bảo tồn tốt nhất mới bàn đến giải pháp phát huy để thu hút khách tham quan. Nếu được bảo tồn và phát huy tốt, đây sẽ là sản phẩm khảo cổ học rất lý thú, cung cấp thông tin khai quật khảo cổ học này cũng như quá trình khai quật toàn bộ đường dẫn thiêng vào khu thánh địa Mỹ Sơn cho du khách.

Theo Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, đây chỉ là phương án bảo tồn cấp thiết tạm thời, sau khi hoàn thành khai quật con đường, đơn vị sẽ làm phương án bảo tồn tổng thể để bảo tồn được di tích, đồng thời có thể phục vụ cho du khách. Góp phần phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa di tích; tổ chức đưa đón du khách theo đúng con đường di sản người Chăm đã để lại, giúp du khách có cái nhìn rõ ràng hơn về Thánh địa Mỹ Sơn và văn hóa Chămpa trong lịch sử. Nguyên tắc bắt buộc là khai quật đến đâu, bảo tồn đến đó nên phải cấp thiết triển khai trước khi tiếp tục khai quật phần còn lại của con đường, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2025.

BD

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực