Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Nói về nguồn gốc hình thành, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ-Mẫu-Mế). Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người.
Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển.
|
Bảo tồn nét đẹp văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. |
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.
Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt.
Những giá trị văn hóa nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là không thể phủ nhận, nhưng từ thực tế cho thấy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, tạo ra những hệ lụy không tốt trong xã hội.
Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, thanh đồng Lưu Ngọc Đức (Hà Nội) cho biết, một số đền, miếu, am thờ, thờ những nhân thần có công với dân với nước nhưng đã biến thành thờ tứ phủ. Điều đó làm biến dạng văn hóa thờ tự nguyên bản ở các di tích. Trang phục hầu Thánh ngày nay đã bị biến dạng, làm mai một lối trang phục truyền thống cũng như trang phục đặc thù của từng giá đồng, thậm chí còn trở thành phản cảm, lố lăng, dị hợm, không mang tính thuần phong mỹ tục, không ra tàu, không ra Tây, mà cũng chẳng ra lối Việt.
Bên cạnh đó, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu khá tùy tiện, không chỉ diễn ra ở đền, phủ thờ Mẫu mà cả ở đình thờ Thành hoàng, thờ danh nhân, nơi chùa chiền thờ phật…
|
Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Lúc sinh thời, GS-TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cho rằng, để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn, việc bảo tồn di sản là phải dựa vào cộng đồng. Các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Trên cơ sở sự hiểu biết, cộng đồng sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản một cách đúng đắn, hạn chế những biến tướng xấu trong xã hội.
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lại nhấn mạnh tới yếu tố trao truyền khi bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo TS Lê Thị Minh Lý, ở Tín ngưỡng thờ Mẫu, truyền dạy đang là một vấn đề khó định lượng và định tính. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không phải là một nghề mà ai cũng có khả năng học. Từ thân phận, căn cốt nào đó mới được tham gia vào cộng đồng này và không phải ai tham gia cũng trở thành học trò theo nghĩa di sản văn hóa phi vật thể. “Vấn đề quan trọng nhất ở truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, về hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó. Tất cả đều phải khởi nguồn và bám sát những giá trị cốt lõi, đích thực đang làm nên bức tranh đa dạng của di sản văn hóa này” - TS Lê Thị Minh Lý khẳng định.
Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các nhà quản lý và cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu, chầu văn như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu lên đồng giữa các đền các phủ. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó cũng cần phải xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan… Có như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.