Suốt chiều dài lịch sử của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, hình thành và lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong số các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, bốn ngôi đền thiêng còn gọi là Tứ trấn Thăng Long gồm các ngôi đền thiêng: Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (trấn Đông), đền Voi Phục thờ thần Linh Lang (trấn Tây), đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương (trấn Nam), đền Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (trấn Bắc). Mỗi ngôi đền đều lưu giữ một câu chuyện lịch sử, với những ý nghĩa và đặc trưng văn hóa riêng.
Ngôi đền đầu tiên là đền Bạch Mã trấn Đông kinh thành Thăng Long nằm ở cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng, hiện nay tại phố hàng Buồm (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Theo truyền thuyết, khi Đức vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Đại La, khi xây thành gặp trắc trở, Vua cầu thần Long Đỗ phù trợ định đô, xây dựng kinh thành mới đã được thần báo mộng thấy ngựa trắng. Dấu chân của ngựa trắng đã chỉ cho nhà vua biết phải xây thành Thăng Long ở những vị trí nào sẽ được bền vững. Khi xây xong thành nhà vua đã đặt tên cho đền là Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành hoàng Quốc đô Thăng Long. Hiện nay Lễ hội đền Bạch Mã tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch hàng năm, tại khu phố cổ Hà Nội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự.
Ngôi đền thứ hai là đền Voi Phục, tọa lạc ở phía Tây thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Ngọc Khánh (Ba Đình - Hà Nội). Đền Voi Phục là trấn Tây trong “Tứ trấn Thăng Long”, nơi thờ phụng thần Linh Lang Đại Vương - nhân vật lịch sử đã có công giúp vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Tống. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong “Thượng đẳng thần”. Năm 1065, cho xây dựng đền thờ và tạc hai tượng voi đá quỳ trước cửa đền. Đền Voi Phục sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm, ẩn mình dưới những bóng cây cổ thụ xanh mát, soi bóng bên hồ nước Công viên Thủ Lệ. Hàng năm, để tưởng nhớ tới công lao của thần Linh Lang Đại Vương, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Voi Phục vào các ngày 9, 10, 11/2 âm lịch.
|
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - Bảo vật quốc gia tại đền Quan Thánh một trong tứ trấn Thăng Long, Hà Nội. |
Trong hành trình tìm hiểu bốn ngôi đền thiêng, đền Kim Liên – trấn Nam kinh thành Thăng Long, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương - vị thần núi được dân gian suy tôn trấn giữ sơn mạch nước Việt. Huyền tích về Thần Cao Sơn và ngôi đền Kim Liên tại Hà Nội, gắn với câu chuyện cầm quân dẹp loạn ở Đông Đô, năm 1509, vua Lê Tương Dực khẩn cầu thần phù trợ tại đền cổ, nay là di tích đền Láo, xã Văn Phương (Nho Quan, Ninh Bình). Sau khi dẹp được loạn, bày tỏ lòng thành kính với Thần. Năm 1510, Vua cho xây dựng đền thờ Cao Sơn Đại Vương ở phường Kim Hoa phía Nam kinh thành Thăng Long, nay là phường Phương Liên (Đống Đa - Hà Nội).
Đền Kim Liên hiện còn lưu tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” với bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh" do sử thần Lê Tung soạn năm 1510. Ngoài ra còn lưu giữ 39 đạo sắc phong về thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời nhà Nguyễn, trong đó sớm nhất là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620). Hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội đền Kim Liên vào ngày 15, 16/3 âm lịch, để tưởng nhớ thần Cao Sơn Đại Vương.
Ngôi đền thứ tư là đền Quán Thánh - trấn Bắc kinh thành Thăng Long, nơi thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ vị thần Đạo giáo cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái, đem lại những điều tốt lành với người dân. Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đời sống tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Đền Quan Thánh còn lưu giữ nhiều bảo vật quý giá, có giá trị lịch sử như pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ - Bảo vật quốc gia do các nghệ nhân làng Ngũ Xá (Hà Nội) đúc năm 1677.
Đền Quán Thánh với tiếng chuông Trấn Vũ, những truyền thuyết, huyền thoại, màn sương Tây hồ mịt mùng khói tỏa, khởi nguồn cho những sáng tác văn học dân gian, cùng góp những sắc màu văn hóa vào vẻ đẹp đô thị cổ kính. Những giá trị vật thể và phi vật thể của hơn ngàn năm lịch sử đang là một phần của bản sắc Hà Nội, khắc họa hình ảnh về vùng đất và con người Hà Nội. Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Quán Thánh vào ngày 3/3 và 9/9 âm lịch để tưởng nhớ tới đức thánh Trấn Vũ.
Suốt hơn một nghìn năm lịch sử, tứ trấn Thăng Long luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian văn hóa, lịch sử vùng đất Thăng Long - Hà Nội, một mạch nguồn chảy mãi không bao giờ cạn, tạo nền tảng văn hóa truyền thống của Thủ đô, để kế thừa, tiếp nối dòng chảy lịch sử vùng đất kinh kỳ trong thời kỳ mới.