Bức tranh văn hóa dân tộc Kháng

Thứ hai, 13/11/2023 16:18
​(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Bắc đất nước, đồng bào dân tộc Kháng hình thành một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa đó góp vào nền văn hóa Việt một vùng sáng, với nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp.

Số liệu năm 2019, dân tộc Kháng có 16.180 người, trong đó dân số nam là 8.170 người và dân số nữ là 8.010 người. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 98,8%. Người Kháng là một trong những chủ nhân ban đầu và lâu đời ở vùng đất Tây Bắc Việt Nam. Đồng bào dân tộc Kháng còn có những tên gọi khác như Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đón, Kháng Huộc, Mkhang Hốc, Mkhang Ái, Ma-háng Béng, Ma-háng Cọi,...Đồng bào sinh sống tập trung tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Trong đời sống hằng ngày, người Kháng thích ăn xôi và các món ăn có vị chua, cay như: dưa lá củ ráy ngứa, cá ướp chua, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hoà trộn, đồ chín. Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Người Kháng quen uống rượu trắng, rượu cần, hút thuốc lá và hút thuốc lào. Nhà ở có 2 dạng: nhà tạm và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang nên xuống.

Hiện trong đời sống người Kháng tồn tại tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu... Trưởng họ đóng vai trò quan trọng. Việc lấy vợ, lấy chồng phải qua nhiều nghi thức, nghi lễ. Sau bốn năm đêm tìm hiểu ngủ lại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì tiến tới ăn hỏi và thực hiện các nghi thức cưới hỏi. Sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới được tổ chức đón dâu. Ðây là nghi lễ quan trọng nhất trong hôn nhân người Kháng.

Trong đời sống tín ngưỡng, người Kháng có tục chia của cho người chết những tài sản người quá cố dùng khi còn sống. Theo tín ngưỡng người Kháng, đồng bào tin con người có 5 hồn. Một hồn chính ở trên đầu, bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại thành ma dữ hay quấy nhiễu đòi "ăn". Việc thờ cúng bố mẹ được tiến hành 3 năm một lần. Ðây là nghi lễ đông vui nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó cùng nhau hát, múa xoè thâu đêm.

Người Kháng ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới và thường tổ chức các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, làm nương rẫy. Kinh tế chính là trồng trọt, canh tác nông nghiệp, theo cách thức phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Chăn nuôi khá phát triển: lợn, gà, vịt, trâu, bò. Nghề phụ có đan lát đồ gia dụng (hòm, ghế mây, mây, gùi...), đóng thuyền độc mộc, thuyền đuôi én, những loại thuyền này được các dân tộc anh em khác rất ưa chuộng, mua sử dụng.

Cùng với những phong tục, tập quán trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Dân tộc Kháng có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, đồng bào Kháng vẫn duy trì nhiều nghi lễ lâu đời như lễ Xíp Xí, lễ mừng cơm mới. Tiêu biểu là Lễ Xé Pang Á, một nghi lễ dân gian do Pa ả (thầy cúng) tổ chức. Lễ Xé Pang Á là ngày hội của cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn, in đậm đời sống tín ngưỡng người Kháng.

 Pa ả thực hiện nghi thức lễ trong Lễ Xé Pang Á.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các bản làng người Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc chữa bệnh cho người dân bản làng. Pa ả là người thuộc nhiều bài cúng, biết nhiều cách chữa bệnh dân gian, có thể gọi là những trí thức dân gian, một người có uy tín với cộng đồng, được người dân bản, làng tin tưởng làm theo. Lễ Xé Pang Á tổ chức 2 hoặc 3 năm lại một lần, để mời các các thế lực siêu nhiên theo tín ngưỡng người Kháng về thụ hưởng lễ vật, và những người được Pa ả chữa cho khỏi bệnh ở các bản, làng (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn. Thông qua Lễ, các con nuôi muốn gửi tới các vị thần linh, thầy cúng lời tạ ơn.

Hàng năm, lễ Xé Pang Á tổ chức vào khoảng tháng 12 âm lịch, hoặc vào mùa xuân tháng 3, 4 dương lịch, khi hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, báo hiệu một mùa lễ hội tạ ơn, cầu mong sức khỏe về. Đồng bào Kháng chuẩn bị lễ vật, dựng cây “Sặng Bók” mở hội. Vào ngày tốt, giờ thiêng đến, Pa ả dân tộc Kháng (tỉnh Sơn La) làm lễ xin phép tổ tiên, thần linh xin mở hội Xé Pang Á.

Lễ Xé Pang Á có 3 phần chính: Lễ cúng báo tổ tiên (Tế ngặt hóng); Lễ cúng hồn chủ nhà (tám khắp lui khắp bẹ); Cúng mời Thần linh xuống dự lễ (Tế ngặt su un). Quá trình hành Lễ, phần lễ và phần hội luôn đan xen, hòa quyện nhau. Phần Lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính với nhiều nghi thức như múa phồn thực trong Lễ. Sau những nghi thức lễ, Pa ả làm phép, cho con nuôi uống thuốc chữa bệnh và cầu chúc cho các con nuôi khỏe mạnh, không bị ốm đau, làm ăn thuận lợi.

Phần hội trong lễ Xé Pang Á sôi động, đây cũng là dịp để người dân các bản làng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Các điệu múa dân gian trong Lễ ẩn chứa và phô diễn nhiều tầng lớp văn hóa như múa Tăng Bu - mô phỏng việc nương rẫy, thu hái trong đời sống hằng ngày; múa khăn mừng nàng Han dự hội; uống rượu cần vui hội...

Lễ Xé Pang Á giàu tính nhân văn, dân tộc Kháng đang được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy cần phát huy nền văn hóa dân tộc Kháng, để lan tỏa, phát huy một nền văn hóa truyền thống lâu đời, giàu bản sắc, góp phần làm rạng rỡ hơn bức tranh văn hóa Việt Nam, từ những nền văn hóa ở vùng Tây Bắc đất nước.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực