Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ các DTTS gắn với phát triển du lịch

Thứ năm, 26/05/2022 14:25
(ĐCSVN) - Đề án án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” nhằm đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

UBND tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch số 1216/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu Đề án nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

Đề án nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số. (Ảnh: Phương Anh) 

Đề án được triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đối tượng thực hiện là đồng bào các dân tộc thiểu số, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số; các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; ưu tiên các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, dân tộc gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, đưa các hoạt động văn hóa văn nghệ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi dân tộc, địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương. (Ảnh: TL)

Đề án được triển khai từ năm 2022 - 2030, chia làm 2 giai đoạn. Sơ kết, đánh giá thực hiện Đề án vào quý IV/2025 để xem xét, điều chỉnh cho giai đoạn sau.

Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 có 50% xóm có câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, chất lượng; 30% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ thí điểm 8 - 10 mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 1 câu lạc bộ/đội văn nghệ quần chúng phục vụ phát triển du lịch; 70% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; 3 - 5 người dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong nước và quốc tế; 100% trường học trên địa bàn tỉnh đưa loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc lồng ghép, tích hợp trong giảng dạy các môn học liên quan, trong nội dung giáo dục địa phương và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.

Giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; nghiên cứu, lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 50 - 60% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và các giá trị tiêu biểu được khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số có câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, chất lượng; có từ 10 - 15 mô hình bảo tồn câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc, đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả; 90% công chức, viên chức văn hóa, các nghệ nhân, người uy tín được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; 5 - 7 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; 50 - 60% di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến dân ca, dân vũ, dân nhạc được tư liệu hóa lưu giữ và phổ biến đến cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, đầu mối có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai các nội dung của kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực