Cây lanh - hiện vật biểu trưng để người Mông nhớ về cội nguồn

Thứ hai, 18/04/2022 15:41
(ĐCSVN) - Theo quan niệm của người Mông, đã là con gái thì phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, đó cũng là tiêu chuẩn để các cô gái Mông có thể lấy chồng. Với bản tính cần mẫn, người phụ nữ Mông luôn tranh thủ thời gian nông nhàn để se lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, may trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Chính từ cây lanh đã làm nên nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng với các họa tiết hoa văn rực rỡ được phối màu hài hòa, cây lanh đã tạo sinh kế bền vững của hàng nghìn hộ dân người Mông.
Phụ nữ Mông sử dụng dụng cụ để se sợi lanh 

Trước hết, cây lanh được sử dụng để làm vải may quần áo, túi, vỏ chăn của người Mông bởi nó có độ bền chắc, thông thoáng và không bị mốc.  Đồng thời cũng không thể không kể tới những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với nghệ thuật tạo hình độc đáo trên chất liệu vải lanh. Nhờ bàn tay khéo léo và sự kết hợp nhuần nhuyễn ba kỹ thuật cơ bản là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải, trang phục của người Mông đã nổi danh trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các họa tiết hoa văn rực rỡ được phối màu hài hòa. Gam màu ấm là đỏ, hồng, cam, vàng xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm đen… gây ấn tượng mạnh cho không ít người nay từ lần đầu bắt gặp.

Nghề dệt vải lanh truyền thống đã có từ lâu đời gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người Mông có câu hát: “Gái đẹp mà không biết làm lanh cũng xấu. Gái xinh không biết cầm kim cũng hư”. Dường như bất cứ người phụ nữ Mông nào cũng biết se lanh, dệt vải và tự may trang phục cho cả gia đình. Cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, các em gái người Mông chỉ khoảng 10 đến 12 tuổi đã thêu thùa thành thạo và tự tay làm ra trang phục cho riêng mình.

Nghề dệt thổ cẩm từ vải lanh đã trở thành việc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình người Mông 

Khi những cơn mưa đầu mùa Xuân xuất hiện cũng là lúc người phụ nữ dân tộc Mông bắt đầu gieo hạt lanh. Khoảng hơn 2 tháng sau đến vụ thu hoạch, bà con chặt cây lanh về nhà, bó thành từng bó, phơi ngoài trời hoặc xếp ở hiên nhà cho đến khi thân cây khô hoàn toàn. Lúc này, người Mông tẽ vỏ cây lanh thành những sợi nhỏ. Nếu một lần Tây Bắc, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông trên đường đi làm, đi chợ phiên, đi gặp người yêu... lưng đeo quẩy tấu, luôn tay se lanh, vừa đi vừa nối các sợi lanh, cuộn lại thành cuộn. Để sợi lanh chắc hơn, người Mông sử dụng một dụng cụ đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân để se sợi. Khi đã có được cuộn sợi lanh, các sợi này được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Qua thêm một vài công đoạn làm mềm và duỗi căng sợi lanh, phụ nữ Mông sẽ đưa sợi lanh lên khung dệt. Họ thường tranh thủ dệt vải vào bất cứ khi nào rảnh rỗi. Khi hoàn thành miếng vải, họ tiếp tục luộc nó trong nước tro lọc rồi lại giặt phơi khô vài lần để vải trắng và mềm ra, sau đó là cho mặt vải bóng mịn. Từ tấm vải lanh trắng tinh, người Mông đầu tư rất nhiều công sức làm nên những bộ trang phục truyền thống với nhiều hoa văn tinh tế, cầu kỳ. Theo truyền thống, phụ nữ Mông sẽ nhuộm chàm vải lanh. Kỹ thuật này không quá khó nhưng đòi hỏi người phụ nữ phải biết pha nước chàm với tỉ lệ phù hợp và căn thời gian nhuộm. Thông thường công đoạn nhuộm chàm thường kéo dài khoảng 1 tháng.

Các em nhỏ Mông trong trang phục truyền thống. 

Để may một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Mông cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn và khéo léo. Lâu nhất là công đoạn cắt vải, khâu thành những hình họa tiết trang trí và thêu họa tiết với màu sắc sặc sỡ. Đường nét, hoa văn trên váy áo người Mông rất độc đáo, có tính ước lệ cao. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của người con dân tộc Mông

Trải qua bao thế hệ, người Mông đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc về lanh, từ kỹ thuật canh tác đến việc sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Cây lanh được đồng bào dân tộc Mông tận dụng triệt để, cây lanh được tước vỏ lấy sợi, thân cây làm chất đốt; Lá, rễ dùng làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc và làm phân bón; Hạt cây lanh có thể làm thành bánh... Ngoài ra, sợi lanh ngoài làm trang phục thì còn là sợi kết nối với thế giới tâm linh. Lanh là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong hầu khắp các phong tục, tín ngưỡng của người Mông trong chuyện cưới xin, đám tang, cúng, giỗ… Trong cưới xin, người Mông có quy định trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải là những bộ trang phục làm từ vải lanh. Trong lễ tang, người Mông quy định trang phục từ quần áo cho đến giày, dép của người quá cố phải làm từ vải lanh.

Bài, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực