Ninh Thuận vùng đất nổi tiếng nơi dãy núi Chơ Prông đã có từ ngàn đời, dòng suối Ma Nhôi, Tà Nôi luôn hiền hòa buông dòng cùng đó là nền văn hoá đa dạng của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trên vùng đất này người Raglai sinh sống quần tụ với các dòng họ Pi Năng, Tu inb, Pa tâu, Ka tơr, Kaya... Mỗi dòng họ một sự tích, một truyền thuyết riêng về nguồn gốc, nhưng họ đều có cây đàn Chapi. Loại nhạc cụ tre đơn sơ nhưng thấm đẫm những điệu nhạc đầy cảm xúc của người Raglai.
Trong các nghi lễ của người Raglai khi chỉ người giàu mới có mã la để đánh, thì Chapi là nhạc cụ mô phỏng thang âm của bộ mã la và người nghèo cũng có để lúc vui, lúc buồn đều gẩy được đàn.
Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Để có nhạc cụ dân gian này, người nghệ nhân mất khoảng hai khắc giờ chế tác là có một cây đàn chapi, còn chơi hay, chơi dở là ở tâm tình người đàn, như người Ba Na chơi đàn K’long Put, hay người J’lai chơi đàn Goong vậy.
|
Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai chế tác đàn Chapi. |
Ðàn Chapi đơn giản chỉ là ống tre gai già, hoặc bương có đường kính khoảng 8 - 10 cm, được phơi khô trên gác bếp trong thời gian khoảng bốn, năm tháng rồi sử dụng làm đàn. Tre sấy càng khô kiệt, âm thanh càng hay và không bị mối mọt.
Theo nghệ nhân Bubu Viết, người Raglai, cây đàn Chapi được chế tác và sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng người Raglai. Trước đây, trong làng, hầu như nhà nào cũng sở hữu một cây đàn Chapi để hát ca trong lễ hội ở làng hoặc mang lên núi, lên rẫy giải sầu. Còn với thanh niên, những đêm trăng sáng, trai gái trong làng qua nhà nhau chơi, ngỏ ý cùng nhau cũng thông qua tiếng đàn Chapi dìu dặt.
Theo các nghệ nhân Raglai, đàn Chapi được người xưa chế tác phỏng theo tiếng mã la, một loại chiêng không có núm, còn gọi là chiêng bằng, được dùng phổ biến trong các lễ hội của người Raglai, phổ biến nhất là 3 lễ hội: bỏ mả, báo hiếu và ăn lúa mới. Do chiêng mã la rất đắt, mỗi bộ giá trị bằng cả chục con trâu, bởi những người không có điều kiện mua mới sáng tạo ra loại nhạc cụ Chapi để chơi, loại nhạc cụ này mô phỏng theo thanh âm của chiêng mã la.
Cách thức làn đàn Chapi khá đơn giản, công đoạn đầu tiên làm đàn Chapi là róc vỏ cũng tre. Khi róc phải để đúng chiều ống tre, có 4 khoang được người làm róc vỏ. Mỗi cây đàn Chapi có 8 dây đàn, mỗi dây để cách nhau khoảng 2 cm. Sự độc đáo của những cây đàn Chapi ở chỗ, những sợi dây đàn là những sợi tre. Đây cũng là phần chế tác khó nhất để làm ra cây đàn của người Raglai.
|
Những sợi dây đàn bằng vỏ tre trên thân đàn Chapi. |
Để chế tác dây đàn chapi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, khéo léo tách vỏ tre có độ dầy vừa phải, rồi mài nhẵn, vừa làm vừa thẩm âm, sao cho sợi dây đàn có thanh âm hay nhất. Mỗi đầu dây đàn được người nghệ nhân chêm một miếng đôn tre nhỏ xíu như đầu đũa di chuyển lên xuống để căng hạ dây đàn trầm bổng. Muốn có âm thanh bổng thì đẩy lên căng, còn muốn âm thanh trầm thì kéo xuống. Chính giữa mỗi cặp đây có một miếng tre vuông vức cài chặt ở giữa để làm phím gảy. Tại mỗi vị trí này trên thân đàn, thợ trui lỗ để tiếng đàn đi vào trong khuếch đại ra hai đầu ống.
Thân đàn Chapi được chế tác có 4 lỗ tương ứng với 4 phím đàn, vị trí lỗ đàn nằm ở giữa thân tre, có hai lỗ ở hai đầu để âm thanh thoát ra ngoài. Sau khi thực hiện các công đoạn chế tác, khâu cuối cùng là công đoạn cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn. Như vậy cây đàn chapi đã hoàn thành người chơi có thể sử dụng để chơi, giao lưu văn nghệ trong các lễ hội, tại nhà hay trong những cuộc chơi vui buồn.
Dù cây đàn Chapi là nhạc cụ của những người nghèo Raglai, nhưng nó phản ánh tấm lòng nhân hậu, rộng mở, mang theo những ước mơ nhân văn “ai cũng được nghe tiếng Chapi”, bởi vậy cây đàn Chapi trở lên nổi tiếng, trở thành một nét đẹp văn hoá đậm tính nhân văn của người Raglai ở vùng đất Ninh Thuận hanh hao, nhiều nắng gió.