|
Với nhiều loại hình văn nghệ thuật truyền thống độc đáo cũng chính là những nét văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. |
Khi quyết định du lịch ở một đất nước hay vùng đất nào đó, hầu hết du khách đều muốn tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa ở đó. Họ sẽ khám phá văn hóa nơi mà họ ghé thăm: ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, các di sản văn hóa, di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn học, sản phẩm làng nghề… Điều hấp dẫn du khách chính là những “sắc màu” riêng biệt, độc đáo và khác lạ của văn hóa ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Bản sắc văn hóa dân tộc ta là sự kết tinh của lịch sử, của tinh hoa thời đại, của thiên nhiên hùng vĩ, của 54 dân tộc anh em… và rất nhiều yếu tố khác. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc và Việt Nam luôn tự hào về một nền văn hóa độc đáo, phong phú và đậm đà bản sắc.
Du lịch Việt Nam đã và đang phát huy khá tốt những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến đã xây dựng, sáng tạo ra những chương trình, sản phẩm hấp dẫn mà vẫn thấm đẫm bản sắc dân tộc.
Các chương trình đặc sắc như chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội), “Ký ức Hội An” (Hội An)… được xây dựng từ nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của một số vùng miền kết hợp với nghệ thuật dân gian và hiện đại. Những chương trình này đều được thực hiện rất chỉn chu và nghiêm túc, khi tham gia, khán giả sẽ có những giây phút trải nghiệm đa giác quan về văn hóa một cách sống động và chân thực nhất.
Thời gian gần đây, du khách thập phương đặc biệt là các du khách quốc tế cũng ưu tiên lựa chọn du lịch làng nghề khi ghé thăm Việt Nam. Du khách sẽ được lắng nghe, trải nghiệm câu chuyện văn hóa qua hành trình sản xuất và chế tạo các sản phẩm thủ công độc đáo. Các làng nghề trải dài khắp ba miền, các sản phẩm cũng như nhóm nghề rất đa dạng và sáng tạo. Làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc tại Hà Nội; làng hương Thủy Xuân, làng nón Dạ Lê tại Huế; làng hoa kiểng Tân Quy Đông tại Sa Đéc… chính là những điểm đến quen thuộc cho những người yêu du lịch và trải nghiệm văn hóa.
Có khá nhiều sản phẩm thể hiện rõ sự phát huy giá trị văn hóa kết hợp với trải nghiệm du lịch được “ra đời” như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội hiện đại khắp ba miền tổ quốc như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival Trà Quốc tế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Đây chính là cơ hội tuyệt vời để quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè trong nước và thế giới.
Việc xây dựng những sản phẩm và dịch vụ du lịch hấp dẫn là điều cần thiết đối với những cá nhân, tổ chức làm việc trong ngành du lịch. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp những địa điểm vay mượn văn hóa nước ngoài chưa hợp lý để kinh doanh trong các địa điểm du lịch đậm chất Việt Nam. Điển hình như việc các hộ kinh doanh tại sông Nho Quế (Hà Giang) nhập nhiều thiết kế truyền thống của người Mông Cổ, Thái Lan, Tây Tạng… để kinh doanh cho thuê đồ chụp ảnh. Khi được yêu cầu, chủ hàng còn hỗ trợ trang điểm, làm tóc, điều chỉnh trang phục giống hệt như ngoại hình của người nước ngoài. Với mong muốn có bộ ảnh độc lạ, nhiều bạn trẻ thậm chí cả người nổi tiếng cũng diện những trang phục nước ngoài này để chụp hình và đăng tải lên các trang mạng xã hội.
Đây là những hành động không sai trái hay phạm pháp, nhưng dưới góc độ văn hóa, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc. Trang phục không chỉ đơn giản là thứ để khoác lên mình, đó chính là niềm tự hào, là kết tinh của lịch sử và là thứ đại diện cho tinh hoa văn hóa của vùng miền cũng như quốc gia. Họ lớn lên với những bộ trang phục dân tộc có màu sắc đặc trưng với hoa văn, họa tiết ẩn chứa nhiều ý nghĩa về đời sống con người, thiên nhiên núi rừng… Thật đáng báo động nếu các du khách tới vùng đất bà con dân tộc sinh sống nhưng lại không biết về trang phục dân tộc, thậm chí là coi các bộ đồ Mông Cổ, Tây Tạng kia là trang phục truyền thống của họ...
|
Việc phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là điều luôn được đặc biệt quan tâm tại Việt Nam. |
Nhiều khu du lịch còn sao chép các công trình kiến trúc ở nước ngoài, xây dựng các công trình tương tự tại Việt Nam để thu hút du khách.Thực tế, việc sao chép, mô phỏng các công trình kiến trúc, biểu tượng văn hóa quốc tế... chỉ gây được sự tò mò, hấp dẫn ban đầu với một bộ phận khách du lịch dễ tính. Với những du khách có mong muốn tìm hiểu và trải nghiệm sự khác biệt văn hóa thì những bức tượng hay công trình đạo nhái kia lại cực kỳ vô nghĩa, không chứa đựng bất kỳ giá trị hay câu chuyện văn hóa truyền thống nào. Hơn thế, việc văn hóa ngoại lai được đề cao và phát triển sẽ gây ra sự lu mờ, yếu thế và mai một cho văn hóa truyền thống.
Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm: phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Có thể thấy rõ Đảng và Nhà Nước có sự quan tâm đặc biệt đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong lĩnh vực du lịch. Dân tộc ta phải tự hào về văn hóa truyền thống, không ngừng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; tránh lai căng, chạy theo những giá trị ngoại lai quá đà để góp phần xây dựng một nền du lịch bền vững và đậm đà bản sắc Việt.