Đặc sắc nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer

Thứ tư, 20/04/2022 15:16
(ĐCSVN) – Hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời, hình thức hát đối đáp của nam, nữ Khmer Nam Bộ, thường diễn ra tại lễ hội cộng đồng, nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc.

Ngay từ xưa, hát Aday thường diễn ra tại các lễ hội của người Khmer Nam bộ, như lễ hội Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), Sen đôn ta (cúng ông bà), lễ hội Ók-om-bok (lễ cúng trăng, đua ghe ngo). Hát Aday tham gia vào các lễ hội chỉ để góp vui, tạo điều kiện cho các đôi trai gái có dịp thi tài, “đấu” đối đáp. Đôi khi, họ cũng bén duyên từ đây. Trong các nghi lễ gia đình, hát Aday cũng nhằm ý nghĩa nêu trên, nhưng bài hát thiên về chúc phúc.

Nghệ thuật hát Aday ban đầu là loại hát Prop-kay (hát đối đáp) bên nam và bên nữ, cùng vỗ tay thành nhịp, rồi hát đối đáp qua lại. Sau hát Aday còn sử dụng các bài hát kịch, hoặc cổ tích (khi lan tỏa đến vùng đất Nam bộ thì không có loại này). Ngoài ra, hát Aday còn được sử dụng trong trò chơi Chol chhung (ném cầu) vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây.

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday. (Nguồn: thegioidisan.vn) 

Hát Aday kết hợp một cách hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các bộ môn: Âm nhạc, múa, văn thơ hợp thành một cung cách diễn xướng sinh động, giàu tính nghệ thuật dân gian. Người giữ vai trò thực hành chính đều phải biết hát và múa.

Hát Aday là lối hát nói, kỹ thuật đơn giản, không phức tạp, cầu kỳ; chỉ cần nhấn nhá, khi thể hiện trạng thái tình cảm (vui tươi, trêu ghẹo, châm chọc, giận hờn). Người hát - nói, giữ tiết tấu nhanh vừa. Để bắt đầu, dàn nhạc dạo nhạc, đôi trai gái múa chào mời. Người hát cất giọng, dứt câu và múa theo nhạc. Ngưng nhạc, người kia sẽ hát đáp lời và múa theo câu nhạc đệm xen kẽ. Tùy mức độ nội dung bài hát dài hay ngắn, cặp nam nữ sẽ liên tục hát đối đáp cho tới khi kết thúc tiết mục. Dù là lối hát nói giản đơn, tự do nhưng phải tuân thủ, hát đúng âm điệu, cất giọng khi lên xuống, lúc nhỏ to. Lời bài hát, dàn nhạc đệm diễn tấu, làm nền để cặp nam nữ vừa hát vừa múa vờn theo nhau, như trêu ghẹo, giao duyên khiến tiết mục trở nên sinh động, tạo không khí vui tươi, hấp dẫn người xem.

Tiết mục hát Aday nào cũng phải dựa theo bài ca và bản nhạc (đệm). Tùy vào từng bối cảnh, lễ hội, nghi lễ gia đình hay sinh hoạt cộng đồng, mà hát Aday có thể sử dụng bài hát truyền thống hoặc viết lời mới, hay ứng tác tại chỗ. Các bài bản hiện có như cổ vũ đua ghe ngo, ca ngợi, chúc phúc trong nghi lễ gia đình; trong sinh hoạt cộng đồng có các bài ca nói về đạo đức, lối sống; nay có cả bài về xây dựng đời sống văn hóa, cổ vũ thanh niên tòng quân, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bài hát chỉ sáng tác phần lời để hát, không có giai điệu. Bởi Aday là một kiểu hát nói. Do vậy, trong soạn lời hay trong diễn xướng, người hát phải có khả năng ứng tác hoặc thêm bớt lời để đối đáp ăn ý nhưng vẫn tập trung, bám theo chủ đề, tình huống, hoàn cảnh tạo nên không khí phấn khởi, hấp dẫn, lôi cuốn người xem cổ vũ.

Âm nhạc là phần chủ lực trong hát Aday, bởi đây là giai điệu khung nền, dẫn dắt người hát và người múa theo nhịp điệu. Từ thời xưa, các bài nhạc đệm cho hát Aday, được chọn từ bản nhạc đệm của lối hát đối đáp hay tuồng tích hát dù kê, hay nhạc múa truyền thống. Điệu nhạc phổ biến nhất sử dụng cho tới bây giờ là bản đờn Phum Phuông, Prop kai. Thỉnh thoảng dùng nhạc múa lăm lêu… Tất cả đều thể hiện giai điệu vui tươi, sôi nổi theo nhịp 2/4.

Dàn nhạc đệm cho hát Aday, nếu đầy đủ có thể 5 - 6 nhạc cụ truyền thống, gồm: T’ro sô (đàn cò), T’rou (đàn gáo), Khum (tam thập lục), Khlai (sáo trúc), Ch’hưm (chập chả), Tà khê (đàn cá sấu), Sko Đay (trống vỗ)… Tuy nhiên, ngày nay, tại các cuộc chơi đột xuất hay sinh hoạt cộng đồng, chỉ cần vài nhạc cụ như T’sô và Sko Đay vẫn đệm được cho tiết mục hát Aday.

Múa trong hát Aday là điệu múa tổng hợp, gồm cả điệu rom vong, lăm lêu… Động tác tay múa, tay “chip” còn gọi là bắt, thể hiện sự khéo léo, đẹp đẽ, dịu dàng, kín đáo… Tay “khuôn”, còn gọi là cuộn tròn, hay cuộn vào thể hiện tính mạnh mẽ, dứt khoát. Tay “rồn”, còn gọi là che, như một tư thế che nắng, làm duyên. Tay “chòn-ol”, còn gọi là động tác chỉ, mách bảo cho biết trạng thái tâm tư (buồn, thương, giận, ghét). Cùng với động tác tay, là động tác nhích vai, lắc mông và những bước đi vờn nhau, tình tứ, yêu đời, trêu ghẹo, châm chọc.

Thực hành hát Aday còn là môi trường bảo lưu các giá trị về âm nhạc, múa dân gian của cộng đồng; góp phần cố kết cộng đồng, là cầu nối bền chặt giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng. Hát Aday là minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, về tổ chức đời sống văn hóa trong nhà chùa; thể hiện sự giao thoa, giao lưu văn hóa với các cộng đồng người Việt, người Hoa trong vùng.

Với giá trị tiêu biểu, Hát Aday của người Khmer Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh đã bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hội thi, hội diễn, mở lớp truyền nghề, nâng chất hệ thống các câu lạc bộ. Việc hát Aday được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ mở ra cơ hội để tỉnh Hậu Giang tiếp tục bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

NK (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực