Dấu ấn Bắc Bộ

Thứ hai, 13/11/2023 14:14
(ĐCSVN) - Với nhiều người, làng quê Bắc bộ là hình ảnh gần gũi, thân thương với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa làng, lễ hội truyền thống hay đồng lúa trải tận chân trời. Cùng đó là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân ở mỗi ngôi làng tạo nên hồn quê đất Việt.

Cổng làng - địa giới khẳng định không gian sống và quyền uy của một ngôi làng, công trình kiến trúc lưu giữ nhiều lớp trầm tích văn hóa ở làng quê Bắc bộ. Phía sau mỗi cánh cổng làng ấy là những phong tục, tập quán lâu đời, hình thành nền tảng văn hóa mỗi con người ở những ngôi làng Việt. Gắn kết với cổng làng là cây đa, bến nước, sân đình - những biểu tượng văn hóa, lịch sử về truyền thống làng quê Việt Nam.

Nổi bật trong các biểu tượng lịch sử, văn hóa của làng quê Việt Nam có đình Mông Phụ, làng Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội), xây dựng năm 1533. Đình thờ thần Tản Viên Sơn Thánh, là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt Nam. Một ngôi đình cổ tiêu biểu khác đó là đình Chu Quyến, xã Chu Minh (Ba Vì, Hà Nội), xây dựng cuối thế kỷ XVII, đây là một trung tâm hành chính, văn hóa xã hội của làng, xã Bắc bộ, nơi lưu giữ nhiều tầng lớp văn hóa về văn hóa Việt Nam qua chiều dài lịch sử.

Đình làng dấu ấn văn hóa đậm nét vùng Bắc Bộ. Ảnh: T.Dương.

Một ngôi làng mang đậm dấu ấn vùng Bắc Bộ khác là làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, dù đã qua hàng trăm năm, du khách đến đây vẫn bắt gặp hình ảnh đạm nét của làng quê Việt, qua những nét trù phú, cổ kính của cổng làng, giếng nước, sân đình, chùa Nôm, những công trình cổ.

Bên cạnh những công trình mang tính thiết chế của làng như: Cây đa, bến nước, sân đình, hầu như ở làng nào cũng có chùa. Chùa biểu tượng tín ngưỡng của cả làng, hầu như không một làng quê Bắc bộ nào lại không có chùa thờ Phật. Nổi bật là chùa Bối Khê, xã Tam Hưng (Thanh Oai – Hà Nội) là một công trình cổ bậc nhất vùng Bắc Bộ (năm 1338, thời Trần). Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An hiện lưu giữ nhiều dấu ấn về thiền phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo.

Tôn tạo không gian di sản làng quê Bắc Bộ còn có hệ thống những lễ hội cổ truyền đang được nhân dân gìn giữ và tổ chức hằng năm ở các làng xã, hầu hết đều gắn với ý nghĩa cao đẹp, tưởng nhớ các vị anh hùng có công với đất nước, làng xã, đồng thời phản ánh đậm nét tinh thần gắn kết cộng đồng, đời sống tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Theo thống kê, nước ta hiện có gần 9000 lễ hội, từ lễ hội đình, làng đến các lễ hội truyền thống, văn hóa lớn, các lễ hội hòa quyện phong tục, tập quán, tín ngưỡng, các di sản văn hóa vật thể ở những làng quê, cùng tạo lên một mạch nguồn văn hóa Việt chảy mãi không bao giờ cạn.

Tin, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực