Dấu ấn người Mảng

Thứ ba, 14/11/2023 07:57
(ĐCSVN) – Sinh sống trên những triền núi cao, bên những dòng suối mát lành, đồng bào dân tộc Mảng lưu giữ nền văn hoá dân gian đặc sắc, thể hiện qua hệ thống các làn điệu diễn xướng dân gian, các lễ hội cổ truyền, tiếng nói, sử thi, dân ca “Xoỏng”, hát đối đáp, hay các tập tục nông nghiệp, tang lễ... là các hoạt động văn hóa đậm nét của người Mảng.

Sinh sống trên vùng Tây Bắc đất nước, dân tộc Mảng có dân số 4.650 người, là một trong 16 dân tộc thiểu số tại Việt Nam, đến nay đồng bào Mảng vẫn gìn giữ được nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo tài liệu vùng Nặm Ban (Dum Bai) thuộc xã Nặm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được coi là "quê hương" của người Mảng. Người Mảng còn có tên gọi khác như Mảng Ư, Xá Mảng, Niểng O, Xá Bá O. Nhóm địa phương: Mảng Gứng, Mảng Hệ. Trong quan hệ xã hội: Người đứng đầu xã hội truyền thống là Pơgia. Tổ chức Bản (Muy) vẫn duy trì theo tập quán truyền thống. Trong bản thường có một dòng họ lớn, các trưởng họ cùng với hội đồng già làng điều hành hoạt động xã hội, tôn giáo theo tập quán.

Người Mảng có 5 dòng họ chính, mỗi dòng họ lấy một con vật để cầm tinh làm vật tổ theo tín ngưỡng. Các lễ nghi nông nghiệp tập trung nhất là thờ cúng hồn lúa vào dịp thu hoạch mùa vụ hàng năm. Người phụ nữ có vai trò quan trọng thể hiện dưới hình thức mẹ lúa - chủ lễ. Mùa gieo hạt và mùa gặt hái, cộng đồng Mảng chung vui trò chơi, hát, đối đáp ma nữ kéo dài suốt ngày đêm không dứt cuộc. Trong dịp này, các bậc cao niên thường kể sử thi Soỏng Muảng nói về chia đất của cộng đồng Mảng. Các nhạc cụ chiêng, đàn một dây, sáo, khèn cũng được nam nữ người Mảng biểu diễn phản ánh những nét văn hoá tinh túy trong các lễ hội cộng đồng.

Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào coi mặt trời là đấng tối cao sáng tạo ra con người và vũ trụ. Truyền thuyết của người Mảng có hình tượng con người sinh ra từ quả bầu, một hình ảnh thường thấy trong truyền thuyết của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Người Mảng quan niệm vũ trụ có bốn tầng: Trên trời là thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới của con người và các loại ma, dưới mặt đất là thế giới của người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới của thuồng luồng.

Trong đời sống hôn nhân, trai gái người Mảng được tự do yêu đương và kết hôn. Nhà trai chủ động hỏi cưới vợ cho con. Lúc đưa dâu có tục đánh nhau giả giữa họ nhà trai và nhà gái để giành cô dâu, thể hiện sự lưu luyến của nhà gái với cô dâu trước khi về nhà chồng.

Nghề thủ công truyền thống của người Mảng đạt trình độ tinh xảo với các sản phẩm đan lát phục vụ trong đời sống, sinh hoạt. Từ những sợi mây, nan giang được chẻ vót họ khéo léo đan thành những vật dụng. Nổi bật là chiếc bem đựng quần áo vải vóc, cất giữ trang sức, trang phục quý hiếm. Sản phẩm này có kỹ thuật mỹ thuật tạo hoa văn, đường nét rất tinh xảo, hài hòa được các dân tộc Mông, Lự, Tày, Thái ưa chuộng. Những sản phẩm làm thủ công cũng là thước đo để đánh giá sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ dân tộc Mảng.

 Tái hiện lễ vào nhà mới của người Mảng, tại làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội).

Sinh sống lâu đời trên vùng đất Lai Châu và Điện Biên, dân tộc Mảng hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong kho tàng văn hóa đó Lễ vào nhà mới là một hoạt động đặc trưng phản ánh đậm nét đời sống tín ngưỡng của người Mảng.

Đồng bào quan niệm, trong đời người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu. Khi nhà làm xong, vào buổi sáng tốt ngày đã chọn, gia đình làm các thủ tục, nghi lễ vào nhà mới. Ngày được chọn để vào nhà mới là ngày con Ngựa sau đó đến ngày con Rồng, con Dê, con Gà. Đặc biệt, kiêng ngày mất của bố, mẹ của gia chủ, ngày sinh, năm sinh của gia chủ, ngày con Hổ, tránh ngày mất của vợ hoặc chồng đã qua đời.

Già làng Lò A Xoang cho biết, nghi lễ vào nhà mới của người Mảng thường tiến  hành vào buổi sáng, khi vào hai vợ chồng chủ nhà phải đi đầu, các con cháu mang chăn đệm, dụng cụ nấu nướng, các vật dụng sinh hoạt đặt vào vị trí đã định, và cùng nhau nói: “Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé!”. Bữa cỗ trong Lễ lên nhà mới của người Mảng thường rất đông người. Ngoài thân nhân, họ hàng thì hàng xóm, bạn bè của chủ nhà cũng được mời dự.

Sau vài tuần rượu mừng gia chủ, những người biết hát sẽ hát các điệu múa truyền thống của người Mảng. Những điệu hát, múa sinh động hòa quyện tạo nên một hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc và kết nối cộng đồng.

Dù sinh sống ở vùng cao, còn gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mảng vẫn bảo tồn được bản sắc truyền thống quý giá của dân tộc mình. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần để kết nối cộng đồng, gìn giữ bản sắc dân tộc mình trên miền đất địa đầu Tổ quốc.

Tin, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực