Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa

Thứ ba, 09/05/2023 14:38
(ĐCSVN) - Là quốc gia có tiềm năng to lớn về tài nguyên văn hóa với nhiều di sản được UNESCO công nhận, thế nhưng nước ta vẫn chưa khai thác xứng tầm những giá trị của du lịch văn hóa sẵn có.
Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9  (Nguồn: Festival Huế)

Cuối tháng 4 vừa qua, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã được tổ chức. Đây là hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống, tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch, nâng tầm hình ảnh và vị thế của Huế. Trải qua nhiều lần tổ chức, hoạt động này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ không chỉ với du khách trong nước mà còn với nhiều du khách quốc tế. Những nét đẹp văn hóa của các làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên bản. Việc thay đổi, sáng tạo phương thức tuyên truyền và quảng bá những giá trị văn hóa đến mọi người của thành phố Huế đã đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng. Qua đó gợi mở về một mô hình du lịch văn hóa cho nhiều địa phương khác khai phá những tiềm năng vốn có.

Không chỉ Cố đô Huế, Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nền văn hóa phong phú, lâu đời với bề dày lịch sử hơn 4000 năm dựng nước, 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Thiên nhiên thế giới, 14 di sản được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các sản phẩm về văn hóa luôn có một sức hút mạnh mẽ với khách du lịch, nếu tận dụng tốt sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch của nước ta. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng và lợi thế về văn hóa là vậy nhưng việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch của Việt Nam nói chung và các sản phẩm du lịch văn hóa nói riêng vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các địa phương. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong việc phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững. Mặc dù nhận được sự quan tâm sâu sắc từ chính quyền nhà nước, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tiếp tục lưu giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa vốn có, thế nhưng cần sáng tạo và quyết liệt hơn nữa, đưa ra những bài toán biến khó khăn thành động lực để phát triển. Trong đó, phát triển du lịch về văn hóa chính là một cơ hội.

Du lịch có thể xem là cách tiếp cận các giá trị văn hóa của một quốc gia hiệu quả nhất, là cầu nối giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch văn hóa sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn. Cần nắm bắt các yếu tố thu hút khách du lịch đó là các phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, những kiến trúc, nghệ thuật và nhiều sản phẩm văn hóa khác,…

Du lịch văn hóa hiện nay là xu hướng của nhiều quốc gia, Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia vô cùng tiềm năng để phát triển. Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, dồi dào, không chỉ có nền văn hóa đậm chất truyền thống mà còn mang nét đẹp hiện đại giao thoa. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng: du lịch di sản văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; du lịch lễ hội… Những điểm đến nổi tiếng đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch Việt Nam trải dài các tỉnh thành: Tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội); Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế);…

Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030. Với văn hóa là cốt lõi, Việt Nam cần phát triển du lịch dựa trên tiềm năng vốn có một cách hiệu quả. Cần chú trọng đẩy mạnh và sáng tạo các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, ứng dụng công nghệ số, tăng tương tác, các sân khấu trình diễn văn hóa, các công trình văn hóa nghệ thuật và các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng; bảo tồn và phát triển văn hóa vùng miền, đào tạo đội ngũ nhân lực cho du lịch văn hóa, những người có kiến thức và kinh nghiệm là sứ giả mang đến thông tin về lịch sử, văn hóa lễ hội,… cho khách du lịch.

Truyền thông về văn hóa cũng là một mặt trận quan trọng trong việc xúc tiến du lịch văn hóa; sáng tạo, đổi mới và lan tỏa mạnh mẽ giúp du lịch văn hóa phát triển./

Thu Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực