Để tiếng đàn đá trên đỉnh Ngọc Linh mãi ngân vang

Thứ tư, 22/06/2022 16:13
(ĐCSVN) - Làm bạn với dòng suối quanh nhà, với đá, với gió núi, nghệ nhân Hồ Văn Thập dân tộc Xơ Đăng đã sáng chế ra hàng chục loại nhạc cụ rất độc đáo, trong đó có bộ đàn đá, đàn nước. Trong những ngày lễ hội tiếng đàn đá của ông vang lên như tiếng của đại ngàn. Ông được bà con làng Măng Tó coi là "báu vật sống", góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng.
Nghệ nhân Hồ Văn Thập trình diễn âm nhạc trên bộ đàn đá . 

Danh tiếng của ông Hồ Văn Thập (nóc Măng Tó, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã vang xa, không những đối với đồng bào Xơ Đăng ở Nam Trà My mà còn được nhiều người biết đến. Năm 2019, già làng Hồ Văn Thập được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghe lời tương truyền về bộ đàn đá 12 viên của người Xơ Đăng (bộ nhạc cụ cổ đã bị thất truyền từ rất lâu) mà mỗi lần tấu lên dân làng sẽ tụ hội, nghệ nhân Hồ Văn Thập đã lặn lội hết các con suối ở núi Ngọc Linh để tìm những phiến đá về làm đàn. Qua nhiều ngày tháng, bằng khả năng thẩm âm đặc biệt, trong hàng ngàn phiến đá, ông Hồ Văn Thập lựa chọn được 12 viên đá có âm thanh phù hợp chế tác thành bộ đàn đá.

Ông Hồ Văn Thập kể: Khi còn bé, theo cha không biết bao nhiêu mùa rẫy. Mỗi ngày được tận mắt xem cha đẽo, vót ống nứa, lồ ô thử thang âm để làm nhạc cụ. Cái gì không hiểu thì lại hỏi, dần dần, tôi đã hình dung ra trong những âm thanh quen đó có nhịp điệu rất hay mang hơi thở của cuộc sống núi rừng. Từ đó, đã hình thành ý niệm là học cách chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng như: đàn đá (đi điêng), đàn pơroong ló và đàn T’rưng.

Ông Hồ Văn Thập đánh cồng chiêng, đàn đá và cả đàn T'rưng rất hay, bà con ở đây ai cũng muốn nghe. Lúc vui cũng như lúc buồn, ông đều đem các loại nhạc cụ ra chơi. Những hòn đá vô tri, vô giác qua đôi tay của ông Thập gõ vào tạo ra âm thanh đúng nhịp điệu. Người làng Măng Tó nói, đôi tay của ông Hồ Văn Thập như đọc được âm thanh từ cây gỗ, cây nứa, lồ ô, cồng chiêng vậy. Trong những ngày lễ hội tiếng đàn đá của ông vang lên như tiếng của đại ngàn. Ông được bà con làng Măng Tó coi là "báu vật sống", góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng. 

Ông Hồ Văn Thập đã phải lội nhiều ngày tìm kiếm từng viên đá núi được ông tìm kiếm, mài gọt, sắp xếp sao cho đủ một bộ gõ của riêng mình, có khi mất cả mấy năm trời mới kiếm đủ những viên đá cho cây đàn đặc biệt này. Những hòn đá vô tri, vô giác qua đôi tay của ông Thập gõ vào tạo ra âm thanh đúng nhịp điệu, tiếng đàn đá của ông Thập hoang dã như chính núi rừng Ngọc Linh nơi đây.

 Một bộ đàn nước bằng đá do ông Thập làm.

Ông Thập chia sẻ: “Không phải viên đá nào cũng phát ra nhạc được, cũng không phải cứ sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn là ra một bộ đàn đá. Tôi đánh thử, nghe thử, so sánh từng viên với nhau, rồi từng viên với nhiều viên khác để sao cho mỗi viên có một âm sắc riêng. Nhưng cũng chưa đủ, phải mài giũa, phải gọt đẽo sao cho tiếng vang của đá giòn giã hoặc trầm vang, theo đúng cảm nhận của tai mình”.

Nhạc sĩ Dương Trinh (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam), người dành nhiều thời gian và tâm huyết tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của đồng bào vùng cao Trà My, chia sẻ: Tôi đã đến nhiều nơi ở vùng này, duy nhất có ông Hồ Văn Thập là có thể sáng tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh, đặc trưng cho vùng núi cao Ngọc Linh. Không như đàn đá ở Tây Nguyên, mang nhiều dấu ấn nhân tạo, đàn đá của ông Thập hoàn toàn là đá tự nhiên, được chọn lựa và chế tác hết sức thô sơ, chủ yếu tạo nên từ đôi tai cảm âm rất đặc biệt của ông.

Ngoài đàn đá, ông Thập còn có thể chế tác rất nhiều nhạc cụ khác như đàn bầu, đàn T’rưng, đàn nước, khèn… theo cách của riêng ông. Và ông hiện là người duy nhất vùng Trà My biết sửa chữa và thẩm âm cho cồng chiêng. Nhiều người ở tận vùng Đắk Tô, Kon Rẫy, Đắk Hà, Kon Plông (Kon Tum) và một số làng lân cận thuộc xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Vân, Trà Tập, Trà Cang, Trà Leng, Trà Dơn..., huyện Nam Trà My cũng cất công đến nhờ ông sửa nhạc cụ. Theo Hồ Văn Thập, để thẩm âm cho một chiếc cồng chiêng, đòi hỏi cái tai của người nghệ nhân phải chuẩn, đôi tay phải khéo mới làm cho âm vang và thanh hơn...

Là người yêu âm nhạc, hết lòng bảo gìn giữ bản sắc quê hương là thế, nhưng ông Hồ Văn Thập không khỏi chạnh lòng khi giờ đây, lớp trẻ không còn cầm dao, không đan gùi, không biết làm nhạc cụ nữa. Đó là nỗi lo luôn canh cánh bên lòng đối với ông. Dù khó khó khăn đến mấy, ông Thập vẫn say sưa với với đàn đá, với thứ âm nhạc đầy mê đắm của vùng cao. Đó cũng là cách mà ông và bao nghệ nhân khác ở từng bản làng giữ gìn vốn quý của văn hóa cha ông cho muôn đời sau.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực