Làng Giá Lụa xưa kia còn có tên gọi là làng Cổ Sở. Tương truyền, người làng Giá xuất hiện một vị tướng tài được nhà vua trọng dụng do nhiều lần lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa năm Nhâm Tuất 542, đánh thắng giặc Lâm Ấp và hi sinh năm 544 trong trận đánh với giặc Lương tại thành Tô Lịch. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, dân làng Giá lập miếu thờ Quán Giá.
Vùng đất này đã sinh ra tướng quân Lý Phục Man (tên thực là Phạm Tu), người đã có công giúp vua Lý Nam Đế làm lên cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542) đánh đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi, dựng nên Nhà nước Vạn Xuân. Theo những tài liệu lịch sử, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010 - 1026). Công trình có kiến trúc này được thiết kế theo phong cách kiến trúc thuần Việt với ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện.
Các công trình kiến trúc cổ, và các hiện vật còn được chính quyền và nhân dân làng Giá đang lưu giữ có giá trị tư liệu về lịch sử, văn hoá cao. Đình được xây dựng theo hình chữ “Công” cổ, có lối kiến trúc của cung điện nhà vua, rất hiếm có ngôi đình nào có được kiến trúc này. Đình Quán giá bao gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Trong số các hiện vật quý còn lưu giữ năm tấm bia đá niên đại thuộc các năm 1620, 1671, 1681, 1728 và 1803, trên bia lưu giữ các tư liệu lịch sử, văn hoá quan trọng về bối cảnh đời sống, xã hội đương thời. Kiến trúc đình phản ánh rõ nét về không gian sống thường nhật, những phong tục tập quán của người dân ở vùng đất này.
|
Một góc đình Giá. |
Trong không gian kiến trúc đình, có kiến trúc tòa thượng điện được phục dựng từ thời Nguyễn. Tổ hợp nhà ngang nơi nhân dân các thôn trong xã tụ hội dịp diễn ra các sự kiện. Hai bên sân trong là nhà tả mạc, hữu mạc rất dài, mỗi dãy nhà ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà ngang cũng là nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn bạc vào dịp diễn ra các lễ hội hoặc sự kiện lớn. Công trình có kiến trúc đặc trưng của đình đền ở nước ta, có giá trị nghiên cứu nhiều mặt về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng.
Các hoa văn, chạm khắc trên tường bao, cổng, mái đình còn lưu dấu ấn các triều đại phong kiến ở nước ta, tiêu biểu là dấu ấn thời Lý trên gạch trang trí tường ngoài công trình. Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở thành một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng của Hà Nội. Ngày 4/4/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao đã công nhận đình Giá (đình Yên Sở) là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Tiên Yên của huyện Hoài Đức mở hội, rước giá để tưởng nhớ công lao của tướng quân Lý Phục Man. Sự quan tâm gìn giữ, thành kính hướng về tiền nhân và bảo tồn phát huy những giá trị di sản của cha ông cũng khắc hoạ rõ nét qua câu nói lưu truyền trong dân gian "Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thày" - những sinh hoạt văn hóa, phản ánh một thời kỳ dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Nét đẹp văn hoá phi vật thể này đã góp phần làm cho tinh thần bất diệt cuộc khởi nghĩa năm 542 lan tỏa mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.