Độc đáo không gian kiến trúc nhà cổ của người Cơ Tu

Thứ tư, 13/10/2021 09:37
(ĐCSVN) - Trong không gian kiến trúc của nhà Gươl của người Cơ Tu chứa đựng nhiều giá trị độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục con cháu trong làng sống đoàn kết, quý trọng, bảo vệ rừng núi.

Từ bao đời, người Cơ Tu sống chung trong làng quây quần bên nhau, những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là Nhà Gươl. Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Nhà Gươl là linh hồn của làng Cơ Tu, không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừng được mùa.... Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến nhà Gươl. Theo tập tục truyền thống, khi đến nhà Gươl, mọi người không được ẩu đả nhau, không được cãi vã nhau. Vì vậy, không gian làng, trong đó linh hồn là Nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơ Tu.

Về kiến trúc khung nhà dài, nhà Gươl của người Co Tu thuộc loại kiến trúc độc đáo. Bộ khung nhà tưởng như mỏng manh nhưng chắc chắn, đủ sức chống chọi với nắng mưa, gió bão ở khu vực nắng nóng mưa nhiều. Các nguyên vật liệu tại chỗ như gỗ, tre, lạt, dây mây, song với các loại mộng, ngoàm đơn giản được khoét bằng rìu, rựa, dao, phối với nhau hợp lý, tạo kết cấu chịu lực tối ưu.

Nhà Gươl của người Cơ Tu (Ảnh: vovworld.vn) 

Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Vách nhà được làm bằng tấm phên tre hoặc lồ ô, những tấm gỗ mỏng. Trên vách, các ông thợ thường chạm khắc nhiều hình thù như hoa lá, chim muông... để làm vật trang trí. Đáng lưu ý là lá lợp nhà. Xưa, người Cơ Tu dùng lá mây rừng để lợp nhà dài. Loại lá mây có độ bền hơn lá tranh và lại mang tính thẩm mỹ cao (nay loại lá mây này chỉ còn thấy lợp ở gươl). Người Cơ Tu vào rừng chọn các phiến lá không già quá mà cũng không non quá, cắt lấy và đem về phơi héo, rồi ép cho phẳng theo từng lớp. Khi lợp, các lớp lá mây được nối kết với nhau bằng các sợi mây nhỏ chuốt nhẵn. Từng lớp lá được lợp chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định, rất kỹ thuật đã tạo nên các mái nhà vừa phẳng phiu, vừa đẹp mắt.

Mái nhà dài của người Cơ Tu lại nghiêng với độ nghiêng vừa phải và trải rộng về bề ngang. Những tấm vách trong nhà Gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động: con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kỳ đà và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con.

Nhà Gươl thường khắc họa hai con gà trống (ta coai), với tư thế vươn cổ gáy, hay hình con vật khác theo ý niệm của làng. Nhìn từ xa trông giống như hai con trâu đực nằm nối đuôi, hướng hai đầu về hai phía biểu hiện sức mạnh của làng, của tộc người Cơ Tu.

Bên trong nhà Gươl có các biểu tượng mặt trời, mặt trăng trên cột cái, trên nóc nhà, trên các đồ dùng hàng ngày cùng họ lên nương lên rẫy. Các gam màu đen trắng chủ đạo được tô vẽ trong nhà. Các số đếm trong các bộ phận cột, đòn tay, bậc thang đều mang số lẻ như 1,3,5,7,9. Các biểu tượng này phản ánh quan niệm về âm - dương, dấu ấn tín ngưỡng tô tem về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Đông Sơn cổ đại.

Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều bương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...Trong đời sống, nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.

Ngày nay, đồng bào Cơ Tu vẫn quý trọng không gian kiến trúc nhà cổ truyền của dân tộc mình bởi đây cũng chính là sản phẩm văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, tính cố kết cộng đồng. Mỗi người trong dòng họ cùng chung sức chung lòng gìn giữ ngôi nhà chung của dòng họ mình.

KV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực