Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai (hay còn được gọi là chợ tình Khâu Vai) được hình thành từ năm 1919, là một truyền thuyết mang tính huyền thoại về chuyện tình của nàng Út, người dân tộc Giáy và chàng Ba, người dân tộc Nùng. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.
Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khau Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 hàng năm sẽ lại đến Khau Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách.
|
Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2023. |
Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.
Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới.
Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai. Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa.
|
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đầy tính nhân văn, truyền thuyết về tình yêu đôi lứa. |
Không có trăm người bán, chẳng có vạn người mua nhưng chợ tình Khâu Vai vẫn cứ song hành cùng đời sống người dân xứ này suốt cả trăm năm qua. Chợ Khâu Vai như một bản tình ca từ xa xưa vọng về của tình yêu giữa chàng Ba tộc Nùng và cô Út tộc Giáy.
Với những nét văn hóa đặc sắc và những giá trị độc đáo, ngày 24/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu (hay còn gọi là Háng Phúng Lìu) Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2024 với chủ đề “Ấn tượng Khâu Vai” sẽ diễn ra từ chiều 4/5 đến trưa 5/5 (tức chiều ngày 26/3 đến hết trưa ngày 27/3 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn hấp dẫn du khách.
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đầy tính nhân văn, truyền thuyết về tình yêu đôi lứa có sức hấp dẫn lôi cuốn và làm lay động lòng người, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại ngày nay, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.
Năm nay, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi như: lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; thi leo cột chinh phục tình yêu; thi tung còn giao duyên; thi đánh yến; ném pao; thi địu nước; trình diễn thổi Khèn Mông; múa nhảy lửa, múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; trình diễn múa kiếm, múa trống của dân tộc Giáy; Lễ cầu duyên; hát dân ca dân tộc Nùng; hát đối giao duyên; thi bắn nỏ; thi bịt mắt bắt vịt…
Nhằm đảm bảo Lễ hội diễn ra an toàn, chu đáo, huyện cũng đã chỉ đạo đội liên ngành kiểm tra các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh hoạt động ăn uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yêu cầu vệ sinh khác để sẵn sàng đón du khách.