Độc đáo Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn

Thứ ba, 04/06/2024 11:00
(ĐCSVN) - Lễ nhảy lửa là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của người Pà Thẻn, tỉnh Tuyên Quang, biểu trưng cho cái thiện trong tâm tính con người và mong ước tốt đẹp đến với đời sống thường ngày của nhân dân nơi đây.

Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, với khoảng 840 nhân khẩu. Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hằng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa mùa tháng 10, tháng 11 âm lịch.

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Màn múa lửa của các thanh niên Pà Thẻn. 

Bởi theo quan niệm của người Pà Thẻn, tổ chức nhảy lửa vào lúc này là để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật. Đốm lửa được đốt lên cũng sẽ giúp xua đi ma tà, quỷ dữ và cái lạnh lẽo của mùa đông. Lễ nhảy lửa góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.

Theo truyền thống, nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ”, hội nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ”. Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Thông thường, Lễ hội Nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy… Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Thành phần chính tham gia gồm có thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích). Cùng với tiếng đàn Pàn dơ của thầy cúng, những người đàn ông Pà Thẻn cứ thế lao vào nhảy múa giữa củi lửa đỏ hồng nóng rực. Họ với đôi bàn tay không bốc than tung lên, rồi lại dùng đôi chân trần đá vào lửa. Ánh lửa tóe màu đỏ rực cùng làn khói nghi ngút bốc, khiến khung cảnh trở nên vô cùng thiêng liêng. Khi một người nhảy xong, từ đống than hồng còn đang cháy nghi ngút lại có thêm một người tham gia tiếp nối nghi thức, có khi là từ hai đến ba người cùng nhảy vào; đến cuối khi đám lửa đã dần tắt, tất cả đàn ông tham dự sẽ cùng nhau nhảy vào hất tung những mảnh than tàn còn lại.

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. 

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

Lễ hội Nhảy lửa là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng người Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang nói riêng và của người Pà Thẻn nói chung.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012) nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

KV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực