Độc đáo Lễ rước kiệu dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Thứ tư, 26/04/2023 15:06
(ĐCSVN) - Lễ rước kiệu về Đền Hùng từ lâu đã trở thành một định lệ, là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, tiêu biểu và không thể thiếu trong mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng là một trong những nghi lễ truyền thống nằm trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm và được duy trì và bảo tồn từ lâu đời, qua đó tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng đất Tổ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên; đồng thời tạo sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động văn hóa dân gian trong dịp Giỗ Tổ; khơi dậy niềm tự hào về lịch sử dân tộc, về truyền thống văn hóa nhằm giáo dục ý thức, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đạo lý “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây”.

Lễ rước kiệu thường có sự tham gia của các xã, thị trấn vùng ven Khu di tích như: Xã Chu Hóa, xã Hùng Lô, xã Kim Đức (thành phố Việt Trì), trị trấn Hùng Sơn, xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao)... Lễ rước được điều chỉnh thời gian theo từng năm nhằm đảm bảo kết hợp hài hòa với các hoạt động phần hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách viếng thăm mộ Tổ.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là nghi lễ truyền thống được các xã vùng ven di tích duy trì, bảo tồn hàng ngàn năm nay. 

Lễ rước kiệu diễn ra vào 7 giờ, nhưng ngay từ sáng sớm, các đoàn rước kiệu của các xã đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về hội tụ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Trong tiếng nhạc lễ âm vang, rực rỡ sắc màu của cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống, các đoàn rước xuất phát từ dưới chân núi về sân Trung tâm lễ hội, lên cổng Đền Hùng để bái vọng lên núi Hùng, theo đường xuống ngã 5 Đền Giếng, chia thành 2 hướng về đình Cổ Tích và cổng ngã ba Hàng.

Tham gia đoàn rước, ngoài các vị cao niên còn có nhân dân trong làng tham gia đội tế lễ. Đi đầu là đội múa sư tử, theo sau là đoàn rước quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước biểu dấu và bát bửu, đội bát âm múa sênh tiền, rước tàn lọng và đội kiệu, cuối cùng là quan viên và nhân dân… Tham gia đoàn rước còn có các thiếu nữ đội hương hoa, lễ vật, gồm bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương do người dân làm nên.

Trong tiếng trống hội âm vang, tiếng nhạc sênh tiền uyển chuyển xen lẫn hương trầm ngào ngạt, những chàng trai, cô gái, các bô lão và dân làng xúng xính trong những bộ áo dài, quần the, khăn xếp rất nghiêm trang, nét mặt đầy vui tươi, háo hức. Nhân dân và du khách thập phương xung quanh các ngả đường thích thú, phấn khởi theo dõi đám rước kiệu đã tạo nên bầu không khí rộn rã, vui tươi, vừa linh thiêng mà rất đỗi gần gũi, đời thường, thể hiện rõ tính cộng đồng trong tín ngưỡng và rước kiệu của các xã vùng ven Đền Hùng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách thập phương.

Tham gia đoàn rước, ngoài các vị cao niên còn có nhân dân trong làng tham gia đội tế lễ. 

Có thể thấy, Lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng là một hoạt động thể hiện sự chung tay, góp sức của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng trong tín ngưỡng. Qua hoạt động ý nghĩa này nhằm tôn vinh giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, tạo sự giao lưu văn hóa của các xã, phương, thị trấn ven Đền Hùng, đồng thời góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng dân tộc, tạo sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động văn hóa dân gian trong dịp Giỗ Tổ.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghi lễ rước kiệu truyền thống được cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn hàng nghìn năm nay đã trở thành bản sắc văn hoá dân gian tiêu biểu, tạo nên khối đại đoàn kết cộng đồng trong việc bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

N.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực