Độc đáo nhạc cụ dân gian người Khơ Mú

Thứ bảy, 28/05/2022 21:40
(ĐCSVN) - Khơ Mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme. Vì điều kiện du canh, du cư nên bản làng của họ thường nhỏ bé, rải rác. Dù vậy, người Khơ Mú có một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Cùng với các dạng thức văn hóa khác, nhạc cụ dân gian và các hình thức diễn xướng của người Khơ Mú được xem như là một trong những yếu tố đặc trưng nổi bật nhất của họ.
Biểu diễn sáo mũi tót mu 

Người Khơ Mú, còn có tên gọi khác là người Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Người Khơ Mú sinh sống rải rác ở 44 tỉnh và thành phố, họ tập trung đông nhất tại tỉnh Nghệ An, ngoài ra đồng bào còn cư trú ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ và Thanh Hóa. Theo tập quán, người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà gồm mấy dòng họ cùng chung sống đoàn kết. Theo phong tục cổ truyền, mỗi dòng họ của dân tộc này đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây. Có dòng họ coi thú, chim hoặc lấy một loại cây là tổ tiên ban đầu của mình, nên họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này.

Trong kho tàng văn nghệ dân gian của mình, bên cạnh làn điệu dân ca tơm, người Khơ Mú còn sở hữu các thể loại nhạc cụ dân gian khá phong phú, độc đáo. Cùng với các dạng thức văn hóa khác, nhạc cụ dân gian và các hình thức diễn xướng của người Khơ Mú được xem như là một trong những yếu tố đặc trưng nổi bật nhất.

Người Khơ Mú có một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. 

Nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú khá phong phú và độc đáo gồm: bộ nhạc khí (sáo dọc ba lỗ, sáo dọc bốn lỗ, sáo ngang, khèn bè); bộ gảy (đàn trống, đàn môi); bộ gõ (ống gõ, ống giỗ, cồng chiêng). Các loại nhạc cụ của người Khơ Mú thường được dùng vào các dịp lễ, tết, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng.

Tót tơm là một trong những loại sáo dọc đặc trưng của người Khơ Mú, được chế tác từ phần ngọn của một thân cây nứa nhỏ, có chiều dài khoảng 55cm, đường kích phần cuối sáo khoảng 1 - 1,5cm và thon nhỏ dần cho tới phần đầu là khoảng 0,6cm. Tại phần nhỏ này, người ta tạo lưỡi gà bằng cách khía và tách ngay một lát nứa mỏng có chiều dài khoảng 2,5cm và chiều rộng khoảng 0,3cm. Tót tơm có 4 lỗ bấm cao độ, trong đó 3 lỗ trên mỗi lỗ cách nhau chừng 3cm, 1 lỗ dưới nằm ngay ở phần lỗ đầu tiên cách nhau khoảng 4cm. Lỗ bấm dưới này do ngón tay cái điều khiển. Âm thanh của loại sáo này không trong mà hơi khàn khàn. Ngoài dùng để độc tấu, Tót tơm được sử dụng phổ biến để đệm theo giai điệu của những bài Tơm. Tót tơm do nam giới sử dụng, không dùng trong tang lễ và các lễ tục tín ngưỡng khác.

Th’roông (đàn môi) của người Khơ Mú được làm từ một thanh tre hoặc nứa già để khô. Chiều dài của chiếc đàn này khoẳng 14cm, phần rộng nhất của thân đàn khoảng 1,5cm. hình dáng chiếc đàn này cơ bản giống với những chiếc đàn môi bằng kim loại đồng của nhiều dân tộc thiểu số khác. Do đó, hình dáng khi chế tác và phương pháp diễn tấu giữa chúng là giống nhau. Khi biểu diễn, âm thanh của chiếc đàn môi này không vang sâu như những chiếc làm từ kim loại mà nó hơi khàn khàn, cộng với tiếng lách cách của thanh tre tạo ra sự độc đáo riêng. Đàn môi cũng là nhạc cụ không dùng cho mục đích tín ngưỡng. Nhạc cụ này chủ yếu do nam giới sử dụng, dùng độc tấu, đôi khi dùng đệm cho hát trong những dịp hội vui của buôn làng nhằm mục đích giải trí.

 Đồng bào Khơ Mú làm sáo dọc Tọt Tơm

Tót mu (sáo mũi) được làm từ thân cây nứa già, nhỏ, có chiều dài trung bình khoảng 60cm, đường kính từ 2 - 2,5cm. Sáo chỉ có một lỗ duy nhất nằm cách cuối thân sáo khoảng 2cm, lúc thổi cho ra hai cao độ khác nhau. Khi nghe, ta sẽ được nghe một cuộc “đối đáp” giữa hai loại âm thanh: một phát ra từ cây sao và một là những lời hát phát ra từ miệng người biểu diễn. Người ta thổi tót mu theo giai điệu của những bài ru con, hoặc giai điệu của bài Tơm. Tót mu sử dụng trong sinh hoạt giải trí, không dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng.

Đao đao là nhạc cụ tự thân vang, được làm bằng một ống nứa có đường kính trung bình từ 3 - 4cm, chiều dài khoảng 40 - 50cm. Phần đầu của nhạc cụ, người ta khoét và cắt hai miếng đối xứng nhau dài khoảng 20cm. Khi diễn tấu, tay phải sẽ cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó. Tiết tấu của đao đao tạo nhịp cho các bước đi kết hợp với động tác của đôi bàn tay, của cơ thể tạo thành một điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ Mú. Khi diễn tấu, người ta có thể dùng chiêng và trống đệm theo.

Ngoài những nhạc cụ trên, đồng bào Khơ Mú còn có trống, chiêng và não bạt... Trống của người Khơ Mú ở đây chỉ có một loại trống lớn, chiều cao khoảng 55cm, đường kính khoảng 50cm. Chiêng của họ thường dùng ba chiếc loại có núm. Ngoài ra còn một chiếc não bạt bằng nhôm. Những nhạc cụ này được sử dụng trong sinh hoạt giải trí và như những lễ hội truyền thống của bản làng.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực