|
Mâm lễ cúng trong tết Nào Pê Chầu. |
Người Mông tỉnh Điện Biên sinh sống ở hầu khắp các địa phương, nhưng tập trung nhiều nhất ở các Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ. Bất kể địa bàn cư trú nào, họ luôn chú trọng tổ chức tết Nào Pê Chầu - một nét đẹp trong phong tục tập quán của người Mông. Người Mông tổ chức đón Tết cổ truyền là khoảng thời gian nghỉ ngơi, mọi người về đoàn tụ, ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động vất vả. Đây là tết cổ truyền có từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ vạn vật hữu linh của đồng bào. Thêm vào đó, tết Nào Pê Chầu còn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đó là cơ sở để giữ gìn và phát triển vốn văn hóa truyền thống, giáo dục cho các thế hệ con cháu luôn hướng về cội nguồn.
Hiện nay, tết Nào Pê Chầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên được duy trì tổ chức hàng năm theo lịch của người Mông. Khi ngày tết đến gần, khoảng từ ngày 25/12 âm lịch trở đi (theo cách tính lịch của người Mông), không khí tết vui tươi, nhộn nhịp đã tràn ngập trong khắp bản làng. Tại Nậm Pọng, các gia đình bắt đầu mổ lợn, gà để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm vừa qua.
Tết của người Mông là sợi dây cố kết cộng đồng, là ngày để sum họp các thành viên trong gia đình, bất kể người Mông dù đi xa hay ở gần cũng tìm về với gia đình, đồng thời kích thích khả năng sáng tạo nghệ thuật của người Mông, đó là nghệ thuật trang trí bàn thờ xử ca, trang trí nhà cửa; nghệ thuật chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ của người Mông như khèn, sáo, kèn lá, đàn môi… Tết Nào Pê Chầu mở ra một bức tranh toàn cảnh về sắc màu văn hóa của người Mông. Đến với không khí ngày tết, du khách có thể tìm hiểu và khám phá những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều phong tục tập quán của đời sống xã hội, cụ thể như các nghi lễ trong ngày tết, thưởng thức ẩm thực với những món ăn mang cách chế biến của người Mông hay hương vị thơm ngon của những chiếc bánh dày được làm bằng các thao tác thủ công khá cầu kỳ; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống; được lắng nghe những giai điệu dân ca Mông mượt mà hay những âm thanh trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo; được dõi theo những động tác múa khèn điêu luyện của các chàng trai Mông... và mở rộng tầm mắt để thấy được không khí ngày Tết rộn ràng, đầm ấm của bản cũng như một sân bãi rộng lớn hội tụ bao con người, bao thế hệ đang hòa mình với các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa vùng cao.
|
Đánh cù (tù lu) trò chơi dân gian của người Mông được yêu tích trong tết Nà Pê Chầu. |
Người Mông có một số kiêng kỵ trong ngày Tết, đó là: ba ngày đầu năm người Mông kiêng nước đổ xuống nền nhà, họ quan niệm nếu làm nước đổ ra thì năm đó đi làm nương rẫy hay đi đường xa sẽ gặp nước lớn cản trở; kiêng quét nhà, không mang đổ rác ra ngoài mà chỉ để dồn một chỗ, sau ba ngày tết mới hót mang ra ngoài vì tránh đổ đi những điều may mắn của năm mới; kiêng không ăn rau vì theo quan niệm nếu ăn rau thì năm đó khi làm nương rẫy sẽ rất nhiều cỏ không nhổ hết khiến cho mất mùa, không những thế Tết ăn rau thì ăn rau là thể hiện sự nghèo khổ, thiếu ăn. Ngoài ra, khi nướng hoặc rán bánh dày không được để cháy vì nếu ăn bánh mà bị cháy thì cả năm đó sẽ gặp nhiều điều không may mắn. Người Mông kiêng không được ngủ trưa trong ba ngày đầu năm vì nếu ngủ trưa thì năm đó sẽ lười biếng và cây trồng của gia đình sẽ không phát triển tốt tươi; kiêng không để vợ chồng, con cái cãi vã, gây sự - nếu không kiêng thì cả năm đó vợ chồng sống không hòa thuận, con cái không thương yêu nhau sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của gia đình.
Người Mông tin rằng những ngày tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Đó là nét đẹp văn hóa bởi con người ai cũng hướng về tương lai, đặt niềm tin vào phía trước để sống và phấn đấu. Họ có cái nhìn lạc quan như vậy một mặt sẽ hăng hái lao động sản xuất, mặt khác đời sống tinh thần của người dân cũng được nhân lên, nói cách khác mỗi người sẽ tiếp tục có những hoạt động và sáng tạo nhằm hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Họ sẽ thả hồn trong những điệu hát về ngày tết, về năm mới; họ nhảy múa tưng bừng để quên đi những vất vả, mệt nhọc và đón nhận những niềm vui, những tiếng cười cùng những tiếng vỗ tay hưởng ứng, cổ vũ cho nhau của bà con dân bản.
Bất cứ ai dù là khách phương xa hay bà con dân tộc xóm giềng cũng được chủ nhà mời nâng chén rượu nồng cùng cạn kèm theo những lời chúc tốt đẹp cho năm mới, khi khách ra về họ tỏ lòng cảm mến, thân thiện bằng cách biếu những cặp bánh dày thơm ngon để cùng chia sẻ hương vị ngày tết. Có thể nói, tết Nào Pê Chầu là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, phản ánh tình đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng hiếu khách của người Mông.