Đồng bào Giẻ Triêng mừng nhà rông mới

Thứ năm, 23/06/2022 15:42
(ĐCSVN) – Lễ mừng nhà rông mới của người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum không chỉ có sức hấp dẫn đối với đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên.

Đồng bào Giẻ Triêng có cuộc sống gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy, ngoài săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm... làm thức ăn hàng ngày. Đồng bào còn nuôi trâu, bò, lợn, gà… riêng trâu chỉ dùng vào lễ hiến sinh.

Trong đời sống đồng bào Giẻ Triêng sống quần cư thành làng bản, ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái đầu hồi uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn xung quanh nhà rông. Khác với nhà rông của một số dân tộc khác, nhà sàn Giẻ Triêng được hành lang chạy dọc chia đôi, một nửa dành cho nam giới, nửa kia dành cho phụ nữ.

Ở tỉnh Kon Tum, đồng bào làm nhà sàn ngắn và vài hộ gia đình cùng chung sống với nhau. Những nhà này cũng có những đặc trưng mái nhà hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai sừng trâu.

Trong đời sống của dân tộc mình, nhà rông được đồng bào Giẻ Triêng rất coi trọng, một nơi linh thiêng được đồng bào chọn kỹ thế đất, thường dựng ở cuối làng, trên một khu đất cao bằng phẳng, rộng rãi, bốn bề thông thoáng. Từ nhà rông có thể quan sát hầu hết bản làng. Phía trước nhà rông là khoảng sân lớn để có thể thuận lợi tổ chức các sự kiện lớn của bản làng.

Tục dựng và mừng nhà rông là một hoạt động quan trọng của cộng đồng người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum, đã được lưu truyền trong đời sống người Giẻ Triêng, qua nhiều thế hệ, nó có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, giúp gắn kết cộng đồng, đồng thời góp phần làm cho bức tranh văn hóa cộng đồng người Giẻ Triêng thêm đa dạng và rực rỡ sắc màu.

Nhà rông của người Giẻ Triêng khi dựng có sự chung tay của cả cộng đồng, đồng bào cùng nhau góp công, góp của để xây dựng ngôi nhà rông to nhất, uy nghi nhất bản làng. Vật liệu dựng nhà rông chủ yếu là tre nứa, lá và gỗ. Sau quá trình bản làng cùng dựng nhà Rông, khi toàn bộ nhà Rông đã được dựng xong thì cộng đồng người Giẻ Triêng tổ chức lễ hội mừng nhà rông mới. 

 Tục đâm trâu trong Lễ mừng nhà rông mới của người Giẻ Triêng.

Theo truyền thống, trong lễ mừng nhà rông mới, người Giẻ Triêng bắt buộc phải thực hiện nghi thức đâm trâu. Con trâu được coi là linh vật trong lễ của người Giẻ Triêng. Trước buổi lễ, con trâu được tắm rửa sạch, cột vào cây nêu trước cửa nhà rông từ buổi chiều tà hôm trước. Từ đêm hôm đó tới ngày hôm sau, đồng bào đánh cồng chiêng, múa hát vui mừng bên trâu, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng truyền thống với ước mong bông lúa trĩu nặng, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân bản làng ấm no, hạnh phúc.

Trong Lễ tục có hai phần nghi thức chính phần Lễ và phần Hội. Ở phần Lễ có sự tham gia của già làng là người uy tín với làng bản, am hiểu luật tục, đóng vai trò chủ Lễ, có khả năng dẫn dắt điều hành buổi Lễ. Khi làm lễ mừng nhà rông mới, luôn có những đội cồng chiêng do nam giới trình diễn, mang lại không khí thiêng liêng cho lễ mừng nhà rông mới.

Phụ nữ Giẻ Triêng múa điệu múa cầu mùa, để cầu xin các vị Giàng cho hạt giống khỏe mạnh cây cối lên nhanh, mưa gió thuận hòa, lúa về trĩu hạt, bắp thì đầy kho.

Nét độc đáo nhất trong Lễ mừng nhà rông mới, đó là nghi thức đâm trâu cúng Giàng, mừng nhà rông mới. Con trâu làm lễ được được gắn những chùm hoa rực rỡ làm từ cây tre, lúc này con trâu đã trở thành linh vật thiêng để cúng Giàng. Những người được chọn nhiệm vụ đâm trâu là những tràng trai khoẻ mạnh, dũng cảm. Đồng bào quan niệm, người đâm trâu phải đâm sao cho trâu chạy được nhiều vòng quanh cây nêu thì mọi việc càng may mắn.

Trong khi hành lễ, những phụ nữ chưa có chồng và người cao tuổi ở trong nhà quan sát. Sau khi kết thúc nghi thức đâm trâu diễn ra phần Hội, mọi người cùng thưởng thức rượu cần, ăn cơm lam cuốn lá rừng, họ cùng nhau nhảy múa, hát vang những bài ca truyền thống chào mừng ngôi nhà mới của mình.

Dân tộc Giẻ Triêng có dân số 63.322 người, sinh sống chủ yếu tại vùng miền núi tỉnh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Người Giẻ Triêng còn biết qua các tên: Đgiéh, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triêng, Treng, Ta Liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca Tang. Người Giẻ Triêng nói 2 ngôn ngữ là tiếng Giẻ (Jeh) và tiếng Triêng (Tariang) thuộc ngữ hệ Nam Á.
N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực