Đồng cỏ bàng gắn bó với đời sống đồng bào Khmer

Thứ sáu, 15/04/2022 14:39
(ĐCSVN) - Từ bao năm nay, đồng cỏ bàng giữa vùng đất sình lầy, phèn mặn đã gắn liền với đời sống và trở thành sinh kế của rất nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Khmer ở xã biên giới Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Nhờ những sản phẩm dệt từ cỏ bàng như sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ… đã giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hai bên đường vào ấp Trà Phô được phủ một màu xanh do người dân phơi cỏ bàng . 

Đồng cỏ bàng gắn bó với đời sống đồng bào Khmer

Cỏ bàng vốn là cây cỏ dại, mọc hoang ở vùng đất ngập phèn mặn ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ấn tượng ban đầu, cây cỏ bàng thân tròn lẳn, ruột rỗng, có rễ chùm, mình to gần bằng đầu đũa, cao từ 1-2m, nhìn thô cứng nhưng thực ra lại rất mềm, dẻo dai.

Hiện, đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ có hơn 2.500ha, cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 11. Khi mùa khô, cây thường khô rụi, chỉ còn lại gốc nằm sâu dưới bùn đất. Nhưng chờ đến mùa mưa, cây bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới, mùa nước dâng cũng là lúc cây bàng vừa đủ chiều cao cho người dân lấy về sử dụng.

Nghề đan cỏ bàng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Phú Mỹ.

Trước đây, có thời gian con người xâm lấn quá nhiều vào đồng cỏ bàng, thu nhập từ nghề đan bàng bấp bênh do không bán được sản phẩm truyền thống. Nghề đan đệm bàng(chiếu) đứng trước sự mai một khi thị hiếu thị trường thay đổi. Điều đó buộc người dân phải suy nghĩ, thay đổi mẫu mã sản phẩm. Bây giờ đồng bào dân tộc Khmer ở Phú Mỹ không chỉ sản xuất đệm bàng mà còn làm nhiều sản phẩm khác như: ống hút, túi, mũ, sọt, thùng, các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí… Sản phẩm của Phú Mỹ không chỉ bán trong vùng mà xuất hiện ở nhiều thành phố lớn và cả thị trường thế giới. Những sản phẩm ấy góp phần cải thiện không nhỏ đời sống của bà con dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đồng cỏ bàng là nguồn sống của người dân ấp Trà Phô

Đi đến ấp Trà Phô, dường như nơi nào cũng có màu xanh của cỏ bàng. Những cọng cỏ dài được trải thành hình rẻ quạt phơi bên ven đường, trong sân nhà, ngoài bãi cỏ hoặc buộc thành bó (neo) vắt trên hàng rào, treo trên sào. Người dân Trà Phô phơi cỏ bàng hai bên đường, trong sân, trên bãi cỏ. Khung cảnh yên bình mang lại cho chúng tôi cảm giác vô cùng thư thái. Ghé vào thăm gia đình bà Thi Dền ở ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, gia đình ông bà đang luôn tay đưa từng bó cỏ bàng vào máy ép.

Bà con dân tộc Khmer làm tấm đệm (chiếu) từ cỏ bàng. 

Bà Thi Dền kể sơ qua về các công đoạn làm nghề đan bàng truyền thống của người Khmer: “Từ sáng sớm chúng tôi đã đi hái cỏ bàng, tới khoảng 3 giờ chiều mới về. Chúng tôi phân loại cỏ bàng theo độ dài ngay trên đồng cỏ, rồi bó thành từng bó. Cỏ bàng được phơi 3 ngày cho héo lại, rồi đưa vào máy ép cọng cỏ dẹp lại. Sau đó mới đan được. Khi cọng cỏ bàng đã được ép dẹp, chúng tôi mới bắt đầu công đoạn đan bàng. Tùy theo nhu cầu, thứ đồ cần làm, chúng tôi đan cỏ thành các tấm đệm nguyên liệu với các kích cỡ phù hợp hoặc đang các loại túi, giỏ treo cây cảnh, giỏ đựng quần áo…”.

 Bà cũng cho biết thêm: Trước đây mọi người đều phải giã bàng (làm dẹp cây cỏ bàng) bằng tay, bây giờ có máy ép rồi nên nhàn hơn xưa rất nhiều. Từ các tấm nguyên liệu, người ta có thể may, chế tác tại nhiều loại sản phẩm mỹ nghệ khác nhau.

Đến thăm gia đình bà Thị Thia ở xã Phú Mỹ, người đã có bốn đời làm nghề đan cỏ bàng. Từ đời cha mẹ của bà Thia truyền lại, đến nay đứa cháu gái 11 tuổi của bà đã đan rất thành thục. Vừa đan dở tấm đệm, bà Thia vừa kể chuyện: “Hồi còn nhỏ xíu là tôi biết đan rồi. Học làm với mẹ, giờ hơn 70 tuổi rồi tôi vẫn còn đan. Chỉ riêng hai vợ chồng tôi mỗi tháng cũng đan được khoảng 100 chiếc giỏ từ cỏ vàng. Xóm này nhà nào cũng đan, mấy đứa con tôi mỗi ngày dậy sớm đi hái cỏ về để kịp phơi, ép…”.

Ngồi cạnh bà Thia là cô cháu gái tên Thị Vi An, mới 11 tuổi nhưng cô bé vô cùng khéo léo, tay nghề đan không kém cạnh người lớn. Bé Vi An chia sẻ: “Mỗi ngày con làm phụ bà, khi đan khi thì phơi cỏ. Nếu mà đan thì mỗi ngày con làm năm cái đệm, không ảnh hưởng đến chuyện học mà kiếm thêm tiền cho nhà, con vui lắm”.

Không chỉ mang lại sinh kế, đồng cỏ bàng còn là niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi lẽ đồng cỏ cũng là Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Khu bảo tồn là nơi để cho đàn sếu đầu đỏ, một loại chim quý nằm trong Sách Đỏ về kiếm ăn hằng năm.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực