Giá trị nghệ thuật và triết lý trong tranh dân gian Việt Nam

Thứ hai, 17/10/2022 21:16
(ĐCSVN) - Hình thành, phát triển cùng chiều dài lịch sử nền văn hóa Việt Nam, mỗi dòng tranh dân gian nước ta đều phản ánh chân thực tâm hồn, cuộc sống người dân, tư tưởng triết học trong tranh dân gian là mạch nguồn văn hóa dân tộc định hình tư duy sáng tạo của những nghệ nhân dân gian trong suốt quá trình lao động, sáng tạo.
 Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, xã Song Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninhchế tác tranh dân gian Đông Hồ.

Trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một dòng tranh cổ, ra đời khoảng thế kỷ 16-17, phát triển mạnh đến nửa đầu thế kỷ 20. Tranh chế tác bằng phương pháp in khắc thủ công, giấy vẽ làm từ vỏ con điệp trộn với hồ, tạo nên loại giấy trắng sáng, lấp lánh khi để ngoài ánh sáng. Màu vẽ làm từ vật liệu tự nhiên với 4 màu cơ bản là xanh (lấy từ lá chàm hoặc gỉ đồng), đen (than lá tre) vàng (lấy từ hoa hòe) và màu đỏ (từ gỗ vang, sỏi son).

Tranh Đông Hồ có 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Bức tranh “Đàn lợn” một điểm nhấn ở thể loại chúc tụng, mô tả những chú lợn to béo ủn ỉn cùng vòng xoáy âm dương - thể hiện mong ước về ngày xuân tràn đầy sức sống, vui tươi, cuộc sống sinh sôi nảy nở. Giá trị tiểu biểu bức tranh khái quát với tổng thể hình chữ nhật quy tụ vòng xoáy, thể hiện triết lý âm dương của học thuyết Ngũ hành. Hình vuông và hình tròn hoà nhau như đất trời hòa quyện, tình thương mẫu tử quyện hòa thành một thể thống nhất, bền chặt.

Màu sắc trên tranh theo kỹ thuật tương phản màu với các cặp màu xanh lục (mộc) đặt cạnh màu đỏ (hỏa), vàng (thổ) đặt cạnh xanh lục (mộc)… những yếu tố đối lập màu sắc, tạo sự tươi sáng, rực rỡ cho bức tranh “Đàn lợn”.

Bức tranh “Chọi trâu” lại phản ánh rõ nét nếp sống, sinh hoạt cộng đồng, tác giả thể hiện sự ước lệ không gian, cường điệu hình tượng thông qua hình ảnh chú trâu chọi dũng mãnh, với bố cục đối xứng, màu đen làm chủ đạo, phối hợp màu lục tạo đồng cảm người xem. Bàn về tính triết lý trong bức tranh “Chọi trâu”, các nhà nghiên cứu Mỹ thuật cho rằng, nghệ nhân dân gian đã nhấn mạnh vòng xoáy trên thân của hai con trâu: Chín vòng xoắn chính là độ số của hình kinh trên Hà Đồ (Độ số 4 và 9). Như vậy, ngoài thể hiện vẻ đẹp hình thức, người nghệ nhân dân gian còn chú ý đến tính triết lý trong Hà Đồ. 

 Bức tranh dân gian Đông Hồ “Thầy đồ cóc”.

Một tác phẩm dân gian tiêu biểu khác là “Thầy đồ cóc”, trong tranh có đủ các loại cóc nhái to nhỏ lớn bé khác nhau, chú cóc lớn - hình tượng ông thầy đồ ngồi chễm chệ trên bàn và kiểm tra bài học trò của mình, còn các chú cóc, nhái xung quanh thay nhau làm những công việc nhà. Những công việc đó phảng phất lên tình cảm, cái nhìn châm biếm “con cóc là cậu ông trời”, có tính phê phán của ông cha ta về lối giáo dục đã tồn tại hằng ngàn năm, một đặc trưng giáo dục thời phong kiến ở Việt Nam.

Hay trong bức tranh “Lễ trí” hình tượng chú bé ôm rùa một linh vật, ý nghĩa biểu trưng về tính văn hiến của dân tộc. Một số bức tiêu biểu khác như tranh thờ ngũ hổ, đàn lợn, đàn cá, trê và cóc, tam dương khai thái, đại cát, lễ trí nhân nghĩa, vinh hoa, phú quý, tứ quý, chăn trâu, nhất tượng phước lộc điền,… mỗi bức phản ánh những giá trị về tư tưởng và tính nhân văn của người Việt.

Không nằm ngoài quy luật phát triển, tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội phản ảnh đậm nét tư duy sáng tạo của cộng đồng, các tầng lớp xã hội Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII.

Theo Phó Giáo sư Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống chủ yếu vẽ để phục vụ nhu cầu người dân sinh sống ở đô thị, nên các nghệ nhân thường làm tranh khổ lớn, điều đó giúp tranh Hàng Trống phù hợp với không gian những phòng khách sang trọng. Tính độc bản tranh Hàng Trống rất cao, không phải dòng tranh in ra hàng loạt. Do vậy, người mua tranh Hàng Trống không chỉ để chơi, mà còn để sưu tầm, dòng tranh này càng để lâu năm, giá trị văn hóa, lịch sử càng cao.

Nét đặc trưng trong nghệ thuật chế tác của tranh Hàng Trống đó là các nghệ nhân trực tiếp vẽ bằng tay, truyền đạt cảm hứng sáng tạo trên tác phẩm kết hợp kỹ thuật dùng bản khắc in, hành nghề có tính phường thợ, cha truyền con nối. Nội dung tranh phản ánh về các đề tài Phật giáo, Đạo giáo, tranh thờ như: Tam toà Thánh Mẫu, tranh Tứ phủ, ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, Ngũ hổ, Độc hổ, Sơn trang... các tranh chơi như các bộ Tứ Bình hoặc Nhị bình, Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tố nữ, Kiều, bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục.

Tranh Hàng Trống vẽ rất kỳ công, đường nét vẽ tinh xảo, gợi cảm, xen những mảng trống tạo không gian. Mầu sắc được vẽ bằng phẩm mầu có hoà sắc phong phú, thường là lam - hồng, có thêm lục - đỏ, da cam - vàng. Mầu phẩm tô bằng tay sau khi đã in các nét đen, pha ít hay nhiều nước mà có màu đậm nhạt.

Tính triết lý trong tranh Hàng Trống thể hiện qua cách xây dựng hình tượng nhân vật, ý tưởng bố cục và kí hiệu trên tranh. Nổi bật như bức tranh “Lưỡng nghi sinh tứ tượng” minh triết về sự khởi nguyên của vũ trụ, khác hẳn với cách lý giải của các nhà lý học Đông phương từ thời Hán đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, thời kỳ năm 1750 - 1960, nhiều đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chay, Tày, Nùng, Sán Dìu ở các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai,... về Hà Nội đặt những người thợ Hàng Trống vẽ tranh thờ. Những bức tranh này được đồng bào sử dụng trong các nghi lễ cổ truyền như lễ tang, lễ cấp sắc, lễ thủy lục đạo tràng, lễ cầu mùa, lễ Tam Nguyên… Hiện một số tranh như “Tứ Phủ Công Đồng”, “Ngọc Hoàng Thượng Đế” được vẽ ở thời kỳ này còn được các nhà sưu tầm lưu giữ đến nay. 

 Bức tranh dân gian Hàng Trống “Cộng đồng tứ phủ”.

Giá trị nghệ thuật trong dòng tranh dân gian Nam Bộ

Bên cạnh những giá trị triết lý trong nội dung tranh dân gian, một đặc trưng nổi bật thể hiện tư duy cảm thụ của người Việt, phản ánh qua các thời kỳ phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam, đó là nghệ thuật trang trí phục vụ đời sống dân sinh của dòng tranh dân gian.

Trong số các dòng tranh tiêu biểu, tranh Kiếng Nam Bộ là sản phẩm thủ công in đậm tính mỹ thuật, thẩm thấu đời sống, văn hóa người dân Nam Bộ. Tranh Kiếng Nam Bộ đã xuất hiện trong cung đình Huế từ thời Nguyễn (triều Minh Mạng, Thiệu Trị). Những năm 1920 nghề làm tranh Kiếng từng rất được ưu chuộng tại khu vực miền Trung, sau đó cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác, tranh Kiếng đã có những bước phát triển vượt bậc.

Khoảng năm 1940-1950 dòng tranh này có mặt tại khắp lục tỉnh Nam kỳ và nhiều vùng miền cả nước. Trong hơn một thế kỷ phát triển loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt, tiêu biểu là các dòng tranh Kiếng Khơ Me - Nam bộ (tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), dòng tranh Lái Thiêu (Thủ Dầu Một - Bình Dương), dòng tranh Chợ Lớn (Sài Gòn).

Tranh Kiếng Nam Bộ trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong không gian sống của người dân Nam bộ, việc treo tranh Kiếng trong nhà đã hình thành nét văn hóa tao nhã của người dân nơi đây. Tranh Kiếng có nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất.... Ở đó có loại vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh Kiếng gắn ốc xà cừ. Tranh Kiếng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mỹ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ và trở thành loại hình nghệ thuật dân gian phát triển cùng một giai đoạn lịch sử của đất nước. 

 Một bức tranh kiếng Nam Bộ vui tươi, mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân Nam Bộ, những năm 1940.

Nhắc về tranh dân gian Việt Nam, nhiều người thường biết tới dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng ít ai biết rằng, nền Mỹ thuật nước ta đã từng có dòng tranh Thập vật mang tính “bác học”, được chế tác từ các làng, chùa ở vùng châu thổ Bắc bộ, nội dung tranh thể hiện đời sống tín ngưỡng của người Việt trong chế độ phong kiến.

Theo các tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật, tranh Thập vật rất thịnh vào giai đoạn từ thời Lê - Trịnh qua Nguyễn đến thời Pháp thuộc, suy thoái vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX. Vào đầu thế kỷ XXI, đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, đời sống văn hóa phát triển, những người làm công tác văn hóa, các họa sỹ, nhà nghiên cứu có điều kiện nhìn nhận, đánh thức dòng tranh dân gian này, giúp công chúng cảm nhận vẻ đẹp văn hóa, những thông điệp về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng của các bậc tiền nhân.

Hòa quyện với các dòng tranh dân gian khác tranh Thập vật góp phần cho bức tranh văn hóa Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu. Qua đó thấy, để tranh dân gian tồn tại và phát triển cần có thị trường tiêu thụ. Mỗi dòng tranh tương ứng với mỗi đặc điểm và số phận khác nhau. Những số phận ấy gợi ý để có những phương thức bảo tồn, phát triển phù hợp với mỗi dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thanh Mai đã đề xuất cần đưa nghệ thuật truyền thống, trong đó có tranh dân gian vào trường học để giúp các em tìm hiểu, nhận biết được cái đẹp, từ đó yêu thích, có trách nhiệm với giá trị văn hóa truyền thống và trong tương lai sẽ trở thành những lớp khách hàng tiềm năng của dòng tranh này.

Các giải pháp bảo tồn và phát triển tranh dân gian đang góp phần thiết thực vào phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Thiết nghĩ ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị chức năng; các địa phương làng nghề, sự tâm huyết của các nghệ nhân thì việc huy động các hoạt động xã hội hóa là việc làm thiết thực để phát triển tranh dân gian một cách hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực