Chợ phiên Mường Khương huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai họp vào cuối tuần, khi phố huyện vẫn chìm trong sương giá, chợ phiên nơi "lưng trời" đã tấp nập người mua, kẻ bán, đồng bào từ các thôn, bản vùng cao nhộn nhịp xuống chợ. Tất cả tạo lên một bức tranh sinh động, đa sắc màu ở chợ phiên Mường Khương.
Chợ phiên Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai họp vào cuối tuần, từ sáng sớm đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Phù Lá… từ các bản Bản Lầu, Bản Sen, La Pan Tẩn, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin, Lùng Vai, Nậm Chảy, Nấm Lư, Pha Long và các bản làng nhộn nhịp xuống chợ mang theo những sản vật của núi rừng, hay các sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra. Những gam màu đa sắc những bộ trang phục đồng bào xuống chợ, hòa quyện màn sương bàng bạc núi rừng, tạo nên một chợ phiên mang nhiều nét độc đáo. Từ lâu đi chợ phiên Mường Khương để mua hay bán các mặt hàng thiết yếu đã hình thành một nếp sống, sinh hoạt với nhiều đồng bào dân tộc ở vùng đất này.
Khung cảnh chợ sống động bán nhiều mặt hàng nông, lâm, thổ sản, đồng bào mang tới chợ nhiều mặt hàng do chính tay mình làm ra. Các thanh niên người dân tộc H'mông, Tày tới chợ họ trò chuyện gặp gỡ vui vẻ, chuyện nhà cửa, chuyện ruộng nương, chuyện con cái dựng vợ, gả chồng... tất cả tạo nên một không gian văn hoá sinh động đậm sắc mầu nơi miền biên viễn.
|
Ớt một sản vật nổi tiếng bán rất nhiều ở chợ phiên Mường Khương. |
Chợ Mường Khương có các khu chợ, khu bán chim họa mi tập trung trong một con phố nhỏ. Có rất nhiều chim họa mi từ khắp các nơi tụ hội về đây, hoạ mi ở chợ Mường Khương nổi tiếng có giọng hót hay và khoẻ. Khu chợ này còn bán đủ loại lồng chim, những loại thức ăn ưa thích của họa mi, hay các sản phẩm thủ công do người dân địa phương làm. Ớt - một đặc sản bán rất nhiều ở chợ Mường Khương, loại ớt bán ở đây rất cay, mầu đỏ rực, sắc đỏ trải khắp các gian hàng, khiến chợ phiên mang một gam mầu rực rỡ vui nhộn.
Nét đặc trưng ở chợ phiên Mường Khương là vải thổ cẩm, quần áo, váy thổ cẩm ở đây được bày bán phong phú về chủng loại màu sắc. Những bộ đồ, áo đầm xòe, túi vải… màu tím chàm, xanh, đỏ rực rỡ cùng vô số món đồ trang sức. Ở khu bán vải thổ cẩm, khách có thể ngắm hay tìm mua những món đồ thổ cẩm được làm thủ công, không khí mua bán ở đây thân thiện cùng những nụ cười hiền hậu. Những cô gái H’Mông xuống chợ, có người tới chỉ để bán một con gà 200.000 đồng rồi mua muối, dầu ăn hay vài thứ vật dụng khác. Còn các cô gái người Giáy với áo thân dài nhẹ nhàng, mầu đỏ, xanh tím làm nổi bật lên những gam mầu đa sắc.
Chợ phiên bày bán đủ các loại thảo quả, dược… như nụ hoa tam thất, củ tam thất, quế, hoa hồi, những bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc. Các gian hàng này thu hút sự quan tâm của du khách, thường chọn mua về làm quà biếu hoặc mua những bài thuốc đông y hỗ trợ sức khoẻ của mình. Nông cụ cũng được bán rất nhiều ở chợ, có đủ loại liềm cắt cỏ, dao quắm đi rừng, các loại dụng cụ làm nương rẫy, đến máy móc… Những quầy hàng bán nông sản, dẫy bán vật dụng mây tre đan thủ công, bán rượu ngô, rượu thóc nấu từ men lá, dãy hàng ăn rộn rã tiếng chào mời, ngã giá.
|
Một góc chợ phiên. |
Nhiều du khách tới chợ phiên Mường Khương không quên thưởng thức món thắng cố và rượu ngô của người H’Mông, thứ rượu ngô ủ lâu ngày sủi tăm, ăn những bát thắng cố nóng hổi, hay bát phở chua cay cay... Khi chảo thắng cố đã cạn vò rượu ngô đã hết, những mặt hàng thiết yếu đã đủ, bà con dân tộc lại lục tục ra về, kết thúc một phiên chợ náo nhiệt. Lúc này, trên khắp các nẻo đường về bản, khách thăm gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở đồ đạc theo những con đường núi về bản. Với đồng bào dân tộc sinh sống ở Lào Cai, chợ phiên là tài sản tinh thần vô giá, còn với du khách phương xa mỗi lần đến để rồi cứ mãi ngập ngừng chẳng muốn về...
Lâu nay các phiên chợ vùng cao đang thu hút du khách đến với Lào Cai, nhất là những du khách sống ở đô thị bao giờ cũng muốn đi thăm các chợ phiên Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), Ý Tý (huyện Bát Xát), Cốc Ly (huyện Bảo Thắng), chợ Bắc Hà, Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Hiện nay, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, các địa phương đã tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống, để những chợ phiên vùng cao là điểm đến hấp dẫn với du khách khi muốn trải nghiệm, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc trên địa bàn.