Kin Chiêng Boọc Mạy biểu tượng văn hóa có sức sống lâu bền của người Thái

Thứ hai, 24/04/2023 08:21
(ĐCSVN) – Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy một hình thức sinh hoạt dân gian cảu người Thái nhằm tế lễ các vị mường trời, thần núi, thần sông, thần đất, để cầu may, cầu mát cho dân làng mạnh khoẻ, có cuộc sống thanh bình.

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy còn có tên gọi khác là Chá chiêng, Xăng khan (lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông), một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh và của người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hóa. Lễ tục này được tổ chức phổ biến ở những bản làng người Thái, nhất là ở những bản mường có ông mo hoặc bà tày tài giỏi, có uy tín, đông con mày, con nuôi (những người được Thầy chữa khỏi bệnh).

Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” tổ chức trong thời gian từ 1 đến 3 ngày đêm, theo hình thức nghi lễ, trò diễn và vũ hội, thể hiện tính cộng đồng trong bản mường. Tính nhân văn nhất của lễ tục này là khát vọng tự do, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, nghèo hèn, giữa con người với con người, bày tỏ sự kết nối giữa con người với trời đất, thần linh.

Vật linh thiêng trong Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là cây bông, một biểu tượng văn hóa có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái. Người nhập vai "Thần", đóng vai "Mường trời", tham dự những màn hát múa ăn mừng dưới cây bông mượn cái "uy" của thần để nói cái thực ở đời, để răn dạy người đời, không làm điều ác, sống yêu thương nhau, làm những điều tốt lành. 

 Đồng bào Thái múa quanh cây bông trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy.

Kin Chiêng Boọc Mạy phản ánh nhiều loại hình văn hóa về đời sống của người dân bản, mường như văn hóa sản xuất, văn hóa ứng xử tín ngưỡng, kho tàng tri thức dân gian, thiết chế bản mường... Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái.

Các nội dung chính trong Kin Chiêng Boọc Mạy có: Lễ đón thầy mo, lễ rước cây bông, lễ bắt lợn, lễ cúng đền Cấm, lễ dựng cây Bông và chương trình nghệ thuật hát múa dưới cây Bông, cúng thần linh, mường trời; đánh thức vua trời; cúng và đánh trống cơm; cúng cơm mới... trong khuôn khổ lễ còn có các hoạt động liên hoan ẩm thực, trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng.

Trong ngày diễn ra Lễ, đồng bào Thái mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng bản đến dự lễ, mỗi dịp diễn ra Lễ thu hút đông đảo người dân trong cộng đồng. Bên cạnh ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Thái, Kin Chiêng Boọc Mạy còn là hoạt động dân gian có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết gắn bó các dân tộc anh em tại các bản, làng, đồng thời góp phần vào sự đa dạng của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực