Sinh sống ở khu vực Nam bộ nằm trong vùng khí hậu gió mùa Đông Nam Á với 2 mùa: mưa, nắng rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 và mùa khô từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4 dương lịch hàng năm. Thời điểm ngày rằm tháng mười âm lịch, khoảng đầu tháng 11 dương dịch là thời điểm chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa nắng, gió mùa Đông Bắc thổi về mang theo thời tiết mát mẻ có chút se lạnh.
Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều hòa thời tiết làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vì vậy đồng bào Khmer tổ chức Lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn vị thần mặt trăng bằng nông sản sẵn có vừa thu hoạch được.
Để chuẩn bị cho Lễ hội Ok Om Bok vào ngày Rằm tháng Mười âm lịch, đồng bào Khmer chuẩn bị các loại nông sản đã được trồng cấy trong vụ mùa: Lúa nếp chín rộ; rặng dừa say trái; vườn chuối chín vàng; khoai, môn cho củ; loài hoa khoe sắc… Các nam nữ thanh niên Khmer chế biến nông sản thành các lễ vật cúng trăng. Trong các vật phẩm lễ Ok Om Bok luôn có cốm dẹt – vật phẩm gắn với hình tượng tín ngưỡng về nền văn minh lúa nước của người Khmer. Các thanh niên Khmer mang lúa nếp, buồng dừa, buồng chuối, củ quả từ đồng ruộng, nương rẫy làm lễ vật cúng trăng.
Nghi lễ cúng trăng có thể tổ chức theo từng hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề nhau trong phum, sóc. Người tham dự lễ không phân biệt độ tuổi, là nam hay là nữ. Trong nghi lễ này, chủ trì lễ là trụ cột của gia đình hoặc là người có uy tín với cộng đồng, có vai trò dẫn dắt và điều hành buổi Lễ.
Khi lễ vật được bày lên bàn thờ, đến giờ đẹp đã chọn, đồng bào Khmer tiến hành lễ cúng trăng. Chủ lễ đọc lời cầu nguyện “Hôm nay, ngày Rằm tháng Mười, chúng con kính dâng lễ vật đến thần Mặt trăng với lòng thành kính vô hạn, vì thần đã điều tiết khí hậu, làm cho mưa thuận gió hòa mang lại mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống sung túc, ấm no”.
|
Đồng bào Khmer giới thiệu Lễ cúng trăng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) |
Sau khi thực hiện xong các nghi thức phần Lễ, chủ Lễ mời mọi người thưởng thức các vật phẩm lễ và hỏi những ước nguyện của các cháu thiếu nhi dự lễ, để hiện thực những ước mơ đó trong tương lai. Trong Lễ hội Ok Om Bok, diễn ra nghi thức thả đèn gió trong đêm cúng trăng, hay còn gọi là đêm hội Ok Om Bok, với ý nghĩa để đồng bào gửi gắm những ước nguyện theo đèn gió lên cung trăng để thần Mặt trăng thấu hiểu và phúc đáp lại ước nguyện của người dân.
Nghi lễ kết thúc, du khách cùng đồng bào Khmer thưởng thức những hạt cốm dẹp, những trái cây thơm ngon, hòa mình cùng nhau múa hát mừng Lễ hội Ok Om Bok, mừng mùa màng bội thu, mừng cuộc sống bình an. Lễ Ok Om Bok của đồng bào Khmer đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hình thức diễn xướng dân gian, các nghi thức nông nghiệp lâu đời. Lễ gửi gắm những ước mơ nông nghiệp của đồng bào, góp phần vào bức tranh văn hóa Khmer những nét đẹp nhân văn.