Lễ cưới của người Si La

Thứ năm, 14/10/2021 14:33
(ĐCSVN) – Lễ cưới hỏi của người Si La, tỉnh Lai Châu luôn có sức hấp dẫn độc đáo với đồng bào các dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng cao Tây Bắc, phong tục đẹp này còn phản ánh những giá trị đặc sắc trong nền văn hoá Si La, đồng thời góp phần vào sự đa dạng văn hoá trong bức tranh văn hoá Việt Nam lung linh sắc mầu.

Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người, chủ yếu cư trú ở miền núi phía Tây Bắc. Trong các nghi lễ truyền thống của người Si La, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong tập tục chu kỳ đời người.

Để tiến tới hôn nhân, người Si La trang trọng thực hiện các nghi lễ như: “dạm hỏi”, “dạm ngõ” và “lễ cưới”, trong đó “lễ cưới” là một nghi lễ đặc biệt. Trước ngày cưới, gia đình làm cơm mời bà mối - người có uy tín trong bản làng về giúp đỡ gia đình. Bà mối đảm nhận vai trò thay mặt gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: ngày đón dâu, những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng. Trong ngày cưới, bà mối lại là người chủ trì hôn lễ, giúp gia đình chuẩn bị lễ vật, xử lý các tình huống xảy ra trong ngày cưới, thực hiện các nghi lễ theo phong tục truyền thống.

Đến giờ lành, bà mối là người có tài ăn nói, giao tiếp chuẩn bị lễ, dẫn đoàn nhà trai sang thưa chuyện với nhà gái, bàn công việc liên quan đến lễ cưới như: ngày đón dâu, lễ vật nhà gái... Theo phong tục truyền thống, lễ cưới của người Si La gồm hai lần cưới: Lần thứ nhất, đúng ngày đã hẹn, chị hoặc em gái chàng trai sẽ đến nhà cô gái ngỏ lời xin dâu.

 Cô dâu chú rể người Si La bản Seo Hay, xã Can Hồ (Mường Tè - Lai Châu) trong lễ cưới truyền thống.

Khi được nhà gái chấp thuận, nhà trai sang làm lễ đón dâu, mẹ hoặc chị cô dâu sẽ dắt cô ra và trao gửi nhà trai. Tiếp đó nhà trai sẽ tổ chức nghi thức lễ nhập gia cho cô dâu của người Si La. Khi đoàn về đến nhà trai, mọi người phải ngồi ngoài cửa nhà đợi bố mẹ chồng đưa trang sức, khăn áo mới cho cô dâu thay mới để vào nhà.

Trong Lễ cưới mỗi gia đình Si La có thầy cúng làm lễ cho đôi vợ chồng trẻ. Trong ngày đầu tiên ở nhà chồng đôi vợ chồng trẻ phải ngủ ở gian phía bên trái, chưa được vào buồng của mình. Lễ cưới lần thứ nhất đến đây đã xong và họ phải chờ một năm sau mới làm lễ cưới lần thứ hai.

Lễ cưới lần thứ hai diễn ra khi hai bên gia đình đã có đủ điều kiện tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ. Lần này, đúng ngày hẹn, gia đình nhà trai nhờ ông mối đưa đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận sang nhà gái và chính thức xin cho cô dâu về ở hẳn nhà trai. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ làm thủ tục lại mặt nhà gái. Lúc này, cha mẹ cô gái  mới tặng quà cho cô con gái đi lấy chồng.

Trong đám cưới có sự tổng hoà không gian văn hoá truyền thống của người Si La, thể hiện qua những bài hát chúc phúc và những điệu múa truyền thống vui nhộn, mang ý nghĩa mừng vui cho hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ. Hoạt động dân gian này thẩm thấu nét đẹp truyền thống đồng thời phản ánh tinh thần kết nối cộng đồng, làng bản, có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Si La.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực