Lễ cưới của người Xơ Đăng

Thứ sáu, 15/04/2022 14:39
(ĐCSVN) - Dân tộc Xơ Đăng là tộc người bản địa sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, một bộ phận ở tỉnh Quảng Nam với nhiều nhóm địa phương khác nhau như: Hà Lăng, Tơ Đrá, Mnâm, Xơ Teng, Ca Dong... Người Xơ Đăng bảo lưu nhiều di sản văn hóa độc đáo thể hiện bản sắc Tây Nguyên như kiến trúc nhà rông, trang phục, lễ hội truyền thống, âm nhạc cồng chiêng. Một số lễ hội của đồng bào như: lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ cưới... đã được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, lễ cưới của đồng bào thể hiện nhiều nghi lễ, tập tục có nhiều nét riêng độc đáo, thấm đẫm chất nhân văn.
 Ông mai đeo vòng cổ cho cô dâu.

Người con trai, con gái Xơ Đăng khi trưởng thành thì bắt đầu tìm cho mình một người ưng ý để làm vợ, làm chồng. Sau đó báo với cha mẹ của mình để tìm người mai mối. Người mai mối là người có uy tín trong làng, am hiểu phong tục, có hôn nhân hạnh phúc, được dân làng kính trọng. Sau khi mai mối thành công hai bên gia đình tổ chức lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi được tổ chức tại nhà gái, đoàn nhà trai gồm ông mối, cha mẹ chú rể, an em chú bác, lễ vật nhà trai mang theo gồm: trầu cau, thuốc bột, thịt khô, cá, một con gà trống, một con gà mái. Nhà gái chuẩn bị một con gà sống, chủ lễ cắt máu con gà cúng trình tổ tiên và sau đó cô dâu, chú rể trao trầu cau cho nhau, thề nguyền suốt đời không bỏ nhau. Sau buổi lễ cô gái theo về nhà chàng trai 1 đến 2 hôm, cùng đi làm nương rẫy với nhau, sau đó chàng trai đưa cô gái về lại nhà mình.

Thời gian sau, khi đủ điều kiện về vật chất, ông mai sẽ bàn với gia đình hai bên để chuẩn bị chọn ngày cưới. Lễ vật nhà trai gồm có 2 vòng đồng đeo tay, 2 ống đựng thuốc bột, 2 vòng đeo cổ, chiêng, ché, vải dệt,… Ngoài ra còn có trầu cau, thuốc bột, thịt khô, cá, một con gà sống, một con heo. Nhà gái chuẩn bị 2 vòng cườm đeo tay, rượu cần, củi, trầu cau và các món ẩm thực khác để chiêu đãi họ hàng.

Sau khi được nhà gái mời vào nhà, nhà trai trình lễ vật để chủ lễ cúng thần linh và bắt đầu nghi lễ trao lễ vật cho cô dâu. Đầu tiên là ông mai trao trầu cau (9 miếng), sau đó là vòng đeo tay, cườm, vải dệt thổ cẩm, ống đựng thuốc bột.

Ông mai trao ống thuốc bột cho cô dâu và chú rể. 

Tiếp theo nhà gái cắt tiết con gà do nhà trai mang đến hòa với rượu, luộc gà sau đó hai vợ chồng cùng ăn thịt gà và uống rượu tiết gà. Trong thời gian luộc gà chủ lễ sẽ trao hai nắm cơm (bằng cách trao chéo tay), vợ chồng bôi cơm lên đầu nhau thể hiện hồn của hai người đã nhập làm một. Chủ lễ còn bôi máu gà lên trán để xua đuổi hồn ma ra khỏi thể xác của nhau.

Sau phần nghi lễ cô dâu, chú rể và họ hàng ăn uống, ca hát, nhảy múa, đánh trống chiêng cho đến khi say thì thôi. Xong lễ cưới tại nhà gái, cô dâu theo chồng về nhà trai, mang theo một bó củi tượng trưng cho việc chuyển mọi sinh hoạt của mình qua bên nhà chồng. Đến nhà trai cô dâu đứng ở bên ngoài đợi khi trời tối, khi nhà trai mời đầy đủ họ hàng đến để chứng kiến và ra mắt cô dâu, lúc ấy cô dâu mới được vào nhà và bắt đầu tổ chức ăn mừng.

Khi họ hàng ai về nhà nấy, nhà trai cũng chuẩn bị một con gà trống tơ, cắt tiết hòa với rượu, luộc gà. Sau đó giao cho hai vợ chồng trẻ vào buồng tối cùng uống tiết và ăn thịt gà, đó là nghĩa cử thể hiện sự hòa hợp, hạnh phúc. Uống rượu, ăn thịt trong đêm tân với ý nghĩa bồi bổ sức khỏe cho đôi vợ chồng trẻ để chuẩn bị cho những thành viên mới ra đời khỏe mạnh.

Ngày hôm sau ngày cưới, cô dâu chú rể không được đi sản xuất, không ra máng nước của làng, cô dâu ở nhà chồng lo việc bếp núc, đem bó củi của mình mang theo ra đốt. Những ngày tiếp lần lượt vợ chồng cùng nhau ra suối xúc cá với sự chứng kiến của họ hàng. Nếu xúc trúng con cua đá thì cho rằng vợ chồng sau này sẽ hay cãi vã, nếu là các loại cá thì tương lai vợ chồng sẽ hạnh phúc bền lâu.

Trong hôn nhân, người Xơ Đăng có tục thách cưới của nhà gái đối với nhà trai. Lễ vật thách cưới không thể thiếu đó là chiêng ché bởi nó vừa mang giá trị vật chất vừa mang giá trị tinh thần. Chiêng ché được coi là của hồi môn của cha mẹ cho con khi lập gia đình với tư cách như một vật thiêng để giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ sẽ có con cháu đầy nhà, thóc gạo đầy kho. Đồng thời cũng khẳng định uy tín của gia đình, dòng tộc nhà trai. Việc nhà trai không có chiêng ché coi như được đặt ngang hàng với việc không có nhà cửa, thiếu thốn về tài sản, vật chất.

Bài, ảnh: Tấn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực