|
Chú rể và nhà trai đến thánh đường làm lễ
|
Nghi lễ quan trọng trong lễ cưới xưa
Theo tục lệ xưa, đôi trai gái dân tộc Chăm ở An Giang không được gần nhau. Chàng trai, cô gái Chăm nên duyên vợ chồng là nhờ sự tìm hiểu của gia đình. Khi con trai trưởng thành cũng là lúc cha mẹ nghĩ đến việc cưới vợ cho con. Tìm được cô dâu ưng ý, gia đình chàng trai sẽ cậy nhờ người thân tín đến dò ý nhà cô gái. Nếu nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ cho người đại diện đến chính thức xin cưới. Sau khi 2 nhà gặp gỡ và đi đến thống nhất, lễ hỏi sẽ được tiến hành.
Đúng ngày định, hai bên họ tộc, chức sắc, bô lão được mời đến nhà gái dự tiệc. Đồng thời nhà trai mang theo một mâm trái cây làm lễ vật và những vật dụng cần thiết cho cô dâu trong đời sống riêng sau này như: xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ... Ít hôm sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh. Gần tới ngày cưới, phụ nữ bên đàng trai mang nhà gái y phục ngày cưới cho cô dâu và trao một phong bì “tiền chợ” chuẩn bị đám cưới cho nhà gái. Còn người đàn ông bên nhà trai sẽ mang giường nằm và một cặp chiếu hoa sang nhà gái. Đàng nhà gái sẽ dọn dẹp và trang hoàng phòng cưới.
Trong ngày cưới, cô dâu mặc áo dài bằng nhung hay nhiễu dài đến gối, trùm khăn ren trắng, tóc và hai tai đều cài hoa và trâm cài đầu với các trang sức như vòng vàng, kiềng, nhẫn xuyến... Chú rể mặc quần áo dài, quàng khăn, đội mũ vải màu trắng, móng tay, móng chân nhuộm đỏ bằng lá cây như cô dâu.
Lễ cưới diễn ra trong ba ngày: Ngày đầu tiên là ngày họp họ - làm bánh. Bánh dùng trong lễ cưới gồm có 3 loại bánh là bánh ha bum (bông lan), tapaikagah, gti kling (bánh ba lỗ) và món cơm cà ri; Ngày thứ hai - ngày “lên ghế” (giường), cả hai gia đình nhà gái, nhà trai tự làm lễ cầu nguyện ở mỗi gia đình, người đại diện sẽ đọc những lời chúc cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống bình an, hạnh phúc, sau đó mời cơm dân làng; Ngày thứ ba - “đưa rể”, nhà trai tự đưa chú rể đến nhà gái.
Theo phong tục người Chăm, chàng trai phải đi ở rể vì vậy, sẽ diễn ra nghi thức tiễn người thanh niên đi lấy vợ. Trong tiếng hát Chăm có đoạn: “Xin cha mẹ tha thứ, con từ giã cha mẹ”.
Nhưng trước khi đến nhà gái, nhà trai phải đến thánh đường làm lễ. Ở thánh đường, bố cô dâu và đại diện cho gia đình nhà gái gồm hai vị bô lão có uy tín được lựa chọn cẩn thận cũng có mặt. Chú rể ngồi giữa hai người đại diện của nhà gái và trước mặt bố vợ trước sự chứng kiến của đại diện nhà trai và bố chú rể. Người cha cô dâu cầm tay chú rể và nói: “Ta gả con gái ta tên … cho con với tiền đồng và tiền chợ là…”. Chú rể kính cẩn đáp: “Tôi nhận cưới con gái ông tên… với số tiền đồng và tiền chợ là…”. Sau đó, hai người đại diện chứng kiến sẽ đọc kinh cầu nguyện cho đôi lứa. Rồi mọi người cùng cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc.
|
Đám cưới của đồng bào Chăm không có bia, rượu, khách đến chung vui cùng cô dâu, chú rể chỉ uống trà hoặc nước ngọt
|
Sau buổi lễ, chú rể được đưa đến nhà gái. Khi chú rể bước chân lên bậc thang nhà gái, đại diện nhà gái là một người phụ nữ phúc hậu sẽ rửa chân cho chú rể để thể hiện sự hiếu khách của nhà gái đối với nhà trai và có hai người phụ nữ sẽ trải thảm trắng để chú rể bước vào nhà. Tiếp theo, có một người trong nhà gái dẫn chú rể đến phòng cô dâu. Tới phòng, chú rể sẽ gỡ cây trâm cài trên tóc cô dâu, cô dâu ngồi bên trái chú rể, cả hai ngồi ra giữa thành giường. Trên giường lúc này có 4 người nữ có chồng ngồi bên trái, bên phải, ở trên, dưới giường cưới cùng với cô dâu chú rể nghe đọc kinh cầu nguyện. Tiếp đó, chú rể, ra ngoài chào hỏi mọi người. Sau đó, đoàn nhà trai và chú rể về nhà và tối chú rể sẽ được đám đông thanh niên và phụ nữ đưa trở lại nhà gái.
Sau bữa ăn tối, trong phòng cưới, bốn người phụ nữ sẽ chuẩn bị tiến hành một nghi lễ khá quan trọng được gọi là lễ “lượm bạc cắc”. Tức là người ta sẽ cho vào chậu nước 10 đồng bạc, đôi tân hôn cùng đưa 1 bàn tay vào nhặt những đồng bạc. Ai nhặt được nhiều hơn sẽ có tiếng nói quyết định trong gia đình sau này. Sau hôn lễ, chú rể phải ở nhà cô dâu ba tối đầu tiên, sau đó, chuyện ở rể hay về làm dâu sẽ do hai bên gia đình thỏa thuận.
Đám cưới người Chăm ngày nay
|
Trang phục cưới ngày nay được thay đổi về màu sắc, kiểu dáng theo sở thích của cô dâu, chú rể
|
Đám cưới Chăm ngày nay vẫn giữ những nét truyền thống cơ bản nhưng có phần gần với cuộc sống hiện đại hơn. Trang phục có chút thay đổi để thích nghi theo cuộc sống hiện đại: Màu sắc, kiểu dáng theo sở thích của cô dâu và chú rể, trang sức của cô dâu, chú rể theo điều kiện của họ; Bỏ tục rửa chân…
Ngoài ra, trong ngày thứ ba của đám cưới, cũng không nhất thiết phải thực hiện nghi lễ ở thánh đường, nghi lễ đó có thể tiến hành tại nhà cô dâu, nhưng khi làm lễ, tất cả những người nữ giới không được phép có mặt ở đó và tục lượm bạc cắc ngày nay cũng hầu như không còn duy trì.
Có thể nói, dù mỗi dân tộc mang một sắc màu trong bức tranh văn hóa đa sắc màu Việt Nam, song, ở một khía cạnh nào đó, đối với hôn nhân, nét văn hóa dân tộc độc đáo riêng biệt đến đâu đi chăng nữa cũng chung một ý nghĩa mang lại hạnh phúc cho mọi người từ những điều giản dị nhất của cuộc sống.