Lễ hội Acha Aza của người Tà Ôi

Thứ hai, 22/11/2021 20:18
(ĐCSVN) - Acha Aza là lễ hội văn hóa cổ truyền mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Tà Ôi nói riêng và của các dân tộc khác ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Những văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc ít người đã thêm những mảng màu khác lạ, độc đáo trong văn hóa của người Việt Nam.

Lễ Acha Aza được người Tà Ôi rất coi trọng và là nghi lễ lớn nhất trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng. Trong lễ này, người Tà Ôi cúng tạ ơn các vị thần linh, đặc biệt là nữ thần Tro ( hay còn gọi là thần Lúa). Họ coi nữ Thần này ngự ở trong cây lúa, bông lúa và hạt lúa và được xem là phúc thần.

  Lễ Acha Aza là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Tà Ôi. (Ảnh: Thủy Lê)

Lễ cúng Acha Aza thường được kéo dài 3 ngày. Nếu năm nào mùa màng bội thu, lễ cúng cũng được tổ chức đơn giản hơn. Nhưng nếu năm nào đói kém, mất mùa thì sẽ phải tổ chức lễ trọng có lễ hiến sinh là đâm trâu.

Người Tà Ôi thường chuẩn bị một cái Tết từ 1 tháng trước khi diễn ra để thật tươm tất và đủ đầy. Thanh niên sẽ đi rừng hái vỏ cây rừng về làm rượu đoác, rượu mía, rượu mây. Họ bẫy chim, bẫy thú vật; sau đó đem về đẻ các bà các mẹ làm thịt, ướp chín cho lên gác bếp để dành. Cá bắt được cũng làm sạch treo lên giàn bếp cho khô để dành cho những ngày Tết.

Lễ cúng sẽ được tổ chức ở rẫy, bản làng và trong gia đình

Người Tà Ôi tổ chức lễ Acha Aza ở rẫy để cầu mong cho mùa màng bội thu. Người dân trong làng sẽ làm 1 cái vòng kết bằng 4 - 5 khóm lúa bằng những gié lúa có bông đẹp nhất, nhiều nhất dùng làm đàn cúng. Lễ vật là các sản vật: thịt lợn, thịt bò hoặc thị dê, gà, rượu, cơm nếp thơm và không thể thiếu đồ trang sức của phụ nữ. Đó có thể là vòng tai, hoa tai bằng bạc hoặc mã não. Người chủ lễ sẽ là người phụ nữ đứng đầu gia đình, tuốt gié lúa đầu tiên mở đầu cho một thời kỳ thu hoạch mùa màng.

Còn lễ cúng tại bản sẽ được cúng tại nhà gươl hoặc ở trung tâm của buôn làng. Và sau cùng là lễ cúng được tổ chức ở gia đình. Dù là cúng ở đâu thì người chủ lễ phải là người phụ nữ đứng đầu trong gia đình, gia tộc hoặc buôn làng.

Tết cổ truyền của người Tà Ôi, cũng là dịp để những đôi trai gái trong bản bày tỏ tình cảm với nhau. Họ sẽ trao nhau vòng bạc, kheo những bộ váy hay áo dzéng do chính mình làm nên để thể hiện tình cảm. Tết của người Tà Ôi không chỉ để cảm ơn thần linh, đất trời mà còn là dịp để mọi người gắn kết với nhau hơn.

Những món ăn truyền thống trong lễ Acha Aza

Tết của người Tà Ôi không thể thiếu mùi thơm của thịt nướng, men nồng của rượu cần, rượu đoác, rượu mía và hương thơm của nếp ra dư – cu da hoặc pinhe. Nhà nhà đỏ lửa quây quần bên nhau. Ngoài ra, còn có loại bánh nếp – đặc sản của người Tà Ôi.

Đó là bánh đệp peng hay còn gọi là bánh nếp gói bằng lá mây, được làm bằng loại gạo nếp ngon nhất và nướng bằng bếp than hồng. Khi ăn sẽ thưởng thức cùng thịt nướng, cá khô, thịt chim được ướp gia vị lâu ngày trong ống lồ ô. Hay bánh akoát được gói bằng lá đót tươi và cây dứa xanh. Có thể cho thêm nhân bằng thịt và đậu. Bánh được làm theo hình chân chim rất đặc biệt.

Món không thể thiếu là gạo nếp ra dư – cu da sẽ được xới ra adiên (cái mâm có đế) sau đó đậy nắp và cất vào góc nhà, chờ khi có khách xa, khách quý mới đem ra thiết đãi cùng thịt, cá khô và muối ớt.

Trong những ngày Tết, người dân Tà Ôi còn tổ chức những trò chơi truyền thống như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo có hoặc bóng chuyền thu hút sự tham gia của nhiều chàng trai, cô gái độ tuổi xuân thì.

Lễ Acha Aza là lễ hội văn hoá cổ truyền mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Ta Ôi. Đó là nét đặc trưng của cư dân trồng lúa rẫy, một dấu ấn của văn minh nông nghiệp. Lễ tết vừa mang tính chất là một ngày vui lớn của gia đình, gia tộc, dòng họ lại vừa thể hiện tính cộng đồng làng rõ nét. Đây nét văn hoá đặc sắc của tộc Tà Ôi./.

Thủy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực