Sinh sống lâu đời trên vùng đất miền Trung, đồng bào Chăm H’roi hình thành và lưu giữ một nền văn hoá truyền thống đa dạng và phong phú, trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của đồng bào, Lễ hội cầu mưa là một điểm nhấn văn hoá phản ánh sinh động đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Chăm H’roi.
Trong cộng đồng người Chăm H’roi hiện còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ ăn cơm mới, Lễ đổ đầu, Lễ cúng Thần làng... nhưng nghi lễ cầu mưa (còn gọi là Lễ Quai Yang plâyq achan) là một lễ hội độc đáo thu hút rất đông sự tham gia của cộng đồng, hoạt động dân gian này có ý nghĩa để người Chăm H’roi trao truyền đạo lý, gửi gắm những ước mơ về cuộc sống yên bình, mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, nó có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, góp phần cho vườn hoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.
Lễ hội cầu mưa thường tổ chức vào ngày 16 - 20/2 (Âm lịch) hàng năm, già làng là người có uy tín với làng, bản, trong vai trò chủ lễ chỉ đạo, điều hành mọi việc trong lễ hội, từ việc chọn ngày làm lễ đến việc họp người dân trong làng cùng nhau đóng góp đồ lễ. Tùy vào điều kiện của mỗi làng Chăm hay tình hình hạn hán kéo dài mà có thể lễ vật cúng là trâu hoặc heo. Dù trong hoàn cảnh nào trên đài tế luôn phải có đầy đủ một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau... để dâng lên các vị thần ban sức khoẻ (PoTang PôYa), thần mưa (PôNai), thần thuỷ lợi (PôYang).
Để chuẩn bị cho Lễ hội cầu mưa, dân làng trang trọng cùng nhau đóng góp lễ vật, dựng đài lễ để chuẩn bị cho ngày hội của cộng đồng làng bản. Điều hành buổi lễ là già làng còn gọi là (Oi quai), tượng trưng cho người của Yàng cử xuống nghe lời khấn nguyện và nhận lễ vật của dân làng.
|
Không gian một lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi, tỉnh Bình Định. |
Sau phần chuẩn bị các vật phẩm cho buổi Lễ, chủ lễ đăng đàn làm lễ. Dưới đài cúng là các già làng khác giúp việc. Sau khi khấn xong, già làng sẽ tung đồng xu xin keo lên, nếu đồng xu xin keo có hai mặt âm dương khác nhau là Yàng và các vị thần đã đồng ý. Tiếp đó, già làng và Oi quai vừa hành lễ vừa vãi gạo để mời các vị thần Mây, thần Sấm, thần Chớp và thần Gió. Tiếp theo, Oi quai hất rượu theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, ngụ ý cầu mong Yàng và các vị thần linh sẽ cho mưa, đáp ứng lời nguyện cầu của dân làng.
Nghi thức truyền thống trong Lễ cầu mưa. Trong Lễ cầu mưa có sự tổng hoà các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm H’roi, đó là hình ảnh các thanh niên dân tộc Chăm gõ trống K’toang, nổi cồng chiêng tạo âm thanh của sấm chớp, các điệu múa trống K' toang, các điệu chiêng truyền thống hay điệu múa truyền thống Quai Yang plâyq achan của người Chăm H’roi, các cô gái dập dìu trong những điệu múa xoang của dân tộc mình…
Khởi nguồn từ tín ngưỡng dân gian cổ xưa, Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi là một hoạt động văn hóa đang được gìn giữ và phát huy, hoạt động dân gian này có ý nghĩa giúp các dân tộc anh em khác hiểu biết hơn về nền văn hoá Chăm đậm đà bản sắc, đồng thời góp phần cho bức tranh văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm đa dạng và lung linh sắc mầu.