Lễ hội Then Kin Pang của người Thái Trắng, Lai Châu

Thứ hai, 23/05/2022 17:25
(ĐCSVN) - Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Trắng ở huyện Phong Thổ (Lai Châu), việc tổ chức Lễ hội Then Kin Pang vào ngày 8 - 10/3 Âm lịch hàng năm là một nét văn hóa không thể thiếu. Lễ hội vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng giá trị cổ truyền, duy trì một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa và gắn kết tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc Thái Trắng ở Lai Châu.

 Lễ cúng Then. 

Điểm tựa tinh thần

Trong những nghi thức dân gian, Then Kin Pang là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái Trắng. Sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, múa, diễn xuất... trong nghi lễ đã góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của người Thái.

Theo quan niệm của người Thái, then có nghĩa là “tiên”, “người trời”; “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang là lễ, người dự lễ”. Hiểu một cách đơn giản, Kin Pang Then là lễ hội cúng mừng con nuôi của người Thái trắng do một ông Then trong bản tổ chức hàng năm. Ngoài ra, Kin Pang Then cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu.

Các thầy then là người có uy tín trong cộng đồng, thường ở trong gia đình có truyền thống làm Then và là người am hiểu về phong tục, có thể thực hiện tất cả những nghi lễ tâm linh truyền  thống, từ ma chay, cưới hỏi đến mừng thọ...

Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm Then đảm nhiệm. Trước và trong những ngày làm lễ Kin Pang Then, người làm Then tránh trùng với ngày mất của cha mẹ đẻ, kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng ăn thịt lợn trắng, trâu trắng, cá da trơn, lươn, tôm, không ăn, uống đồ thừa, không đi qua dây phơi, máng nước.

Trước ngày lễ, người làm Then mời khách và các con nuôi về dự; mời anh em, họ hàng, những người giúp việc đến bàn về công việc tổ chức và phân công nhiệm vụ. Tại nhà người làm Then, mọi người giúp mua sắm lương thực, thực phẩm, làm lễ vật treo lên cây pang làm bằng len, gấp bằng giấy như: hoa chuối rừng, các con giống, chim én, tổ chim én, biểu tượng trống, chiêng, quả còn, dải băng, cá…

Tất cả người tham dự múa hát quanh cây pang trong tiếng chiêng, trống. 

Cây pang được chọn phải có gốc, thân thẳng đẹp, không cụt ngọn, lá xanh tươi, đưa về dựng trong nhà nhưng không được chạm nóc. Khi chọn được cây pang, người làm Then phải khấn xin phép thần núi, thần cây cho rước cây về làm lễ. Cây pang là trung tâm của nghi lễ, gốc dựng 6 khúc thân chuối tượng trưng cho đàn trâu. Cây pang được quét nước vôi vào thân, cành… Hàm ý giữ hồn những người tham gia lễ khỏi ham lên cõi Then chơi mà lạc lối không về trần gian được.

Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ, trang trí quả còn, đan thêm các con giống, biểu tượng trống, chiêng; Hai cọc đỡ bàn thờ treo 2 hoa chuối biểu tượng cho hoa chuối trời. Trên bàn thờ đặt bánh kẹo, hoa quả, hương, dưới bàn thờ là nơi đặt lễ vật của các con nuôi, bà con về dự lễ.

Trước bàn thờ Then là mâm đồ lễ, gồm: Đồng bạc trắng, khăn xòe, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, hoa trung quân, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, điếu cày, đĩa trầu.

Nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ gồm: Đàn tính, nhạc xóc, trống, chiêng, chũm chọe. Trong suốt quá trình hành lễ, người làm Then đàn, hát theo các điệu then cổ như: Hát mạng, hát then, hát xao xên.

Độc đáo nghi lễ Then Kin Pang

Sáng sớm ngày mở lễ, gia đình chủ lễ bày một mâm lễ chung đại diện cho cộng đồng đặt bên trái bàn thờ Then, gồm: 1 con lợn luộc cùng lục phủ ngũ tạng đặt dưới đuôi, 2 con gà luộc (1 trống, 1 mái), 4 nắm xôi, bát đũa, chén rượu. Sau đó con nuôi đến chuẩn bị lễ vật tạ ơn gồm: hương, rượu, xôi, gà (1 đôi trống mái), hoa quả, bánh kẹo.

Khi mâm lễ của con nuôi được bày trước bàn thờ Then, chủ lễ thắp hương xin phép tổ tiên, Then gốc, các thần linh mường bản và mường Trời mở lễ hội Kin Pang Then. Chủ lễ thực hiện nghi lễ nhập đồng bằng xin quẻ âm dương, để dẫn nhập hồn Then, trình lý do mở lễ, mong các thần linh phù hộ cho bản mường no ấm hạnh phúc. Chủ lễ bắt đầu với lễ thức chúc mừng lễ Kin Pang Then, đàn hát điệu ra mắt, mời rượu, khấn tâm linh mời rước các thần linh, ghi nhận tâm thành và công lao của các con nuôi...

 Té nước là phần không thể thiếu trong Lễ hội Then Kin Pang. 

Tiếp theo, chủ lễ niệm chú xin thông họng; Khấn xin thần ca hát, ẩm thực ban cho giọng hát trong, vang, truyền cảm, làm hết lễ mà không khản tiếng; Cầu Ải Tạo Nọi cho các khớp tay mềm dẻo để đàn hay, múa dẻo, hầu các vua quan, thần tiên thật khéo; Cầu xin vua Then phù hộ và ban cho quyền năng để tiếng nói có uy lực…

Chủ lễ tiếp tục hát trình báo mâm lễ (lau chơng pạn then); Hát khúc mở đường (đoóng tạng); Hát dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); Hát mời vua Trời, vua Then về dự lễ (mời Pô Phạ, Pô Then)…

Buổi trưa, buổi tối và đêm, chủ lễ xin phép vua quan, thần linh nghỉ ngơi, để mọi người vui chơi, ăn uống. Ngoài thực hiện nghi lễ tạ Then của các con nuôi, tất cả người tham dự còn múa hát quanh cây pang trong tiếng chiêng, trống, tiếng đàn hát rộn ràng, người giúp việc của chủ lễ đứng vòng trong chúc rượu cộng đồng; Các chị, các mẹ tung gạo tượng trưng cho cơn mưa…

Kết thúc nghi lễ, chủ lễ hát lời gọi âm binh và tiễn các quan Then về mường Trời. Trở về mường Trần, chủ lễ hát lời cảm tạ và tiễn các thần linh, quan tạo bản mường, thầy của chủ lễ, hẹn năm sau lại về dự lễ...

Giá trị văn hoá cần được bảo tồn

Bước vào phần Hội, đồng bào Thái Trắng ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo như là điệu múa xòe, múa sạp, múa nón, múa khăn... Ngoài ra, đây cũng là dịp để các đôi trai gái thể hiện tâm tư tình cảm thông qua những câu hát, điệu múa làm quen.

Ngoài các trò chơi như bịt mắt bắt vịt, bắn bi thì phần hội té nước được nhiều người mong chờ nhất, bởi người dân nơi đây quan niệm ai được té càng ướt thì gặp càng nhiều may mắn. Chính vì vậy mà té nước là phần không thể thiếu trong Lễ hội Then Kin Pang.

Lễ Kin Pang Then đã bảo tồn, nuôi dưỡng và duy trì nghệ thuật hát then, hát dân ca, múa xòe, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, tri thức bản địa và các tín ngưỡng tâm linh cổ… Với những giá trị đặc biệt trên, Lễ Kin Pang Then đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực