Dân tộc Kháng cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc Việt Nam, có dân số 16.180 người, trong đó ở tỉnh Sơn La có 9.830 người, Điện Biên là 5.224 người, tỉnh Lai Châu có 822 người, số ít còn lại cư trú rải rác ở các tỉnh thành trong cả nước. Cho đến nay người Kháng ở Tây Bắc còn lưu giữ, bảo lưu được nhiều nét bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình như Lễ hội, phong tục tập quán, làng bản nhà cửa, sản phẩm thủ công truyền thống… đáng chú ý nhất là lễ hội Xé Pang Á, đây là một lễ hội lớn mang tính cộng đồng dân tộc Kháng ở vùng Tây Bắc.
Xuất hiện trong cộng đồng từ xa xưa, các bản làng của người Kháng đều tổ chức lễ hội Xé Pang Á đây là ngày vui của bản làng nói chung và họ hàng nhà các thầy cúng nói riêng. Lễ hội Xé Pang Á được tổ chức để người dân khắp bản làng trả ơn thầy mo, thầy cúng đã chữa khỏi bệnh cho gia đình, cho người bị bệnh. Đây còn là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, có người đã nên duyên vợ chồng qua lễ hội này. Đây không phải là lễ hội cho riêng gia đình, làng bản, mà cho cả du khách thập phương cùng nhau về dự hội.
Những giá trị truyền thống trong lễ Xé Pang Á
Hàng năm, lễ Xé Pang Á tổ chức vào khoảng tháng 12 âm lịch, hoặc vào mùa xuân tháng 3, 4 dương lịch, khi hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, báo hiệu mùa lễ hội tạ ơn, cầu mong sức khỏe đã đến. Lễ hội diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Thành phần tham dự lễ hội có thầy cúng; các con nuôi (những người được thày cúng chữa khỏi bệnh); người dân bản làng và du khách.
Theo quan niệm người Kháng, con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật vì vậy phải nhờ thầy cúng, vì thầy cúng còn là người giỏi bốc thuốc nam để chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Để cảm tạ công ơn người đã có công cứu sống, chữa khỏi bệnh cho mình, những người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi.
Hàng năm hoặc vài năm một lần, thầy cúng sẽ tổ chức lễ Xé Pang Á để mời các thần linh về dự và phù trợ cho các con nuôi, người dân bản làng khỏe mạnh. Thông qua lễ, các con nuôi gửi tới thần linh, thầy cúng lời tạ ơn. Quy mô lễ hội tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng các con nuôi đã được cứu chữa.
|
Đồng bào Kháng dựng cây nêu Xặng bók làm lễ Xé Pang Á. |
Để chuẩn bị cho lễ hội, trước ngày tổ chức, khoảng 2 đến 3 ngày, đồng bào chuẩn bị cây hoa “Xặng Bók”. Để làm cây Xặng Bók, người Kháng lấy cây móc và chuối rừng, chọn cây tốt không được sâu lá và ngọn. Ngoài ra, đồng bào còn trang trí rất nhiều thứ lên cây hoa. Gồm: các dải hoa vải; trống chỉ làm bằng sợi chỉ màu; ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre; quả còn bằng vải; chim cu gáy làm bằng gỗ; cày và bừa nhỏ bằng gỗ; hoa mạ, hoa ban tươi, ngoài ra có các đạo cụ không thể thiếu được để múa là: Bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, hình nộm dương vật, âm vật, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre. 3 mầu chính trang trí trên cây hoa “Xặng Bók” là màu xanh, đỏ và màu đen.
Khi ngày tốt đã về, giờ thiêng đã đến, thầy cúng làm lễ xin phép tổ tiên, thần linh dựng cây Xặng Bók khai hội. Cây hoa Xặng Bók dựng giữa nhà được xem là trung tâm mọi hoạt động trong Lễ hội. Thầy lễ tay cầm quạt giấy, đầu đội khăn và thắt lưng màu đỏ, tay đeo vòng bạc thắp sáng ngọn nến làm bằng sáp ong đọc lời cúng có đệm sáo “Pí một Lao”, xin phép tổ tiên, thần rừng, thần núi làm lễ hội Xé Pang Á. Lễ Xé Pang Á thực hiện theo 3 phần chính: Lễ cúng báo tổ tiên (Tế ngặt hóng); Lễ cúng hồn chủ nhà (tám khắp lui khắp bẹ); Cúng mời Thần linh xuống dự lễ (Tế ngặt su un). Xung quanh cây hoa Xặng Bók người tham gia hành lễ bắt đầu múa, gõ tăng bu, đánh trống, rồi lần lượt các con nuôi vào dâng lễ vật thầy cúng, ai có gì thì mang nấy, cá, gà, măng, rau đặc sản núi rừng, bánh chưng, khăn múa và rượu cần…
Thầy cúng làm lễ mời các vị thần về thưởng thức và nhận lễ vật do các con nuôi dâng lên. Mo chủ cúng mời các then luông, thần thiêng về dự: Người được mời đầu tiên là ông “Then Luông”, tiếp đến là “Cốc Mương” ông Tổ của người Kháng - người truyền dậy các phong tục, nghi lễ, bài cúng cho những người hành nghề tín ngưỡng; nàng “Náng Ỏ” - vị tướng âm binh của thầy cúng; thần “Mốn” vị thần chiến đấu với ma dữ, bảo vệ những linh hồn yếu thế; Thuồng Luồng là vị thần đứng đầu ở dưới nước, để đòi hồn trả về cho con người; ông “ Sừng Lừng” có vai trò cúng chữa bệnh cho những người khó khăn về đường sinh nở, khó đẻ, khó nuôi con… Các vị thần phù hộ chữa các bệnh về đường ruột, câm điếc, què chân tay, thần đánh kiếm, giỏi võ hay các vị thần cai quản ruộng nương, canh giữ bản làng, ma Căng Cói, các loài muông thú khỉ, đười ươi, con sóc, chim bồ câu...cũng được thầy mo mời về dự hội. Trong khi mo chủ hành lễ, các con nuôi dự lễ quàng khăn múa, hai tay cầm hai đầu khăn đi quanh cây Xăng bók theo tư thế nghiêng ngả, chân di chuyển theo nhịp gõ của tăng bu.
Sự khác biệt của lễ hội Xé Pang Á so với các lễ hội khác đó là, trong quá trình hành lễ, phần lễ và phần hội luôn đan xen, hòa quyện nhau, mà không tách bạch nhau như nhiều lễ hội khác. Các điệu múa trình diễn trong lễ hội, rất phong phú, đặc sắc, ẩn chứa và phô diễn nhiều tầng lớp văn hóa, tiêu biểu như: Múa Từn bu (múa ống tre); Trò diễn hút thuốc (lễ mời Xả Clảu hút thuốc); Múa khăn mừng nàng Han; Trò diễn múa kiếm (Lễ cúng cho đội quân hùng mạnh); Trò diễn người bị tai điếc; Trò diễn bắn sóc; Múa Lếch kéc (Xe lếch kéc); Múa chọc lỗ tra hạt (Xe Chắt kỵ); Múa khăn (Xé Clơ guông); Múa khâu cằm; Múa quạt, múa mẹt (Xé lơi, xé pộ); Múa lấy củi, hái rau (Xé en xe, xé tạt la); Múa phồn thực (Xé khe báo ké); Trò diễn người mù, người què đi hái quả; Trò diễn ném còn (Tọl cón); Trò diễn múa kiếm (Xe cháu); Trò diễn Khỉ đánh trống (Xa tặp cúng); Trò diễn con rùa đi ăn mộc nhĩ (bồ tầu tú dùn đạc); Trò diễn con ve sầu uống rượu (bồ chằn long tú ỏm); Trò diễn con gà rừng tìm ăn thóc (bồ diên ly lóng xẹt tù ngua); Trò diễn con gấu ăn cây chuối (sa lóng tù lâm la); Trò diễn con rắn hổ mang ăn rau rừng (bồ măn tù long hac); Trò diễn khỉ ăn hoa chuối (sa tù đúa); Trò diễn Sói ăn thịt thú rừng (chua ni tú nửa); Trò diễn thuồng luồng xuống uống nước; Lễ cúng tiễn thần linh về trời kết thúc lễ hội Xé Pang Á, cầu cho mưa thuận gió hoá, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui đoàn kết.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng
Lễ Xé Pang Á phản ánh hệ thống tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp, hái lượm, môi trường, thiên nhiên. Đồng thời thể hiện mong muốn của người dân được khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; giáo dục con người hướng thiện, lòng biết ơn.
Vai trò thầy cúng trong Lễ lưu giữ các giá trị truyền thống của người Kháng; là thầy thuốc chữa bệnh cho dân; giữ gìn nghệ thuật dân gian của người Kháng như: Nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật trình diễn, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, diễn trò... Trong không gian lễ còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, mang lại sự tươi vui, phấn khởi với người dân bản làng.
|
Đồng bào Kháng và khách mời chung vui rượu cần trong lễ Xé Pang Á. |
Qua tìm hiểu thực tế, lễ Xé Pang Á của người Kháng, ở tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm hoặc 2-3 năm/lần, được duy trì theo lối truyền thống. Các điệu múa cổ của người Kháng như múa Từn bu, múa khăn, múa kiếm, múa phồn thực... hay các điệu múa trong nghi lễ mô phỏng chữa các loại bệnh tật, về sản xuất nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, bảo vệ mùa màng, bảo vệ thiên nhiên, cầu mùa…được ngành văn hóa Sơn La chú trọng, bảo tồn theo hướng xây dựng một nền tảng văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa - có ý nghĩa tích cực để phát triển các sản phẩm du lịch mới, du lịch văn hóa giúp thu hút du khách, giới thiệu về vùng đất, con người và nền văn hóa đa dạng của tỉnh Sơn La với bạn bè trong và ngoài nước.
Lễ Xé Pang Á của người Kháng là một lễ hội dân gian góp phần tạo lên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Với lịch sử hình thành, phát triển lâu đời lễ hội Xé Pang Á đang là một thực thể văn hóa đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người Kháng, đang bảo tồn nguyên vẹn tại các tỉnh Sơn La và Điện Biên, được cộng đồng thừa nhận, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng. Nội dung lễ hội có tính nhân văn, đáp ứng đời sống tâm linh của phần lớn bộ phận cư dân trong cộng đồng người Kháng. Dân tộc Kháng hiện có dân số 16.180 người, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chủ trương bảo tồn, phát triển nền văn hóa các dân tộc thiểu số. Bởi vậy lễ Xé Pang Á xứng đáng để các cấp, ngành văn hóa nhìn nhận, đánh giá và phát huy những giá trị truyền thống nhân văn, để trở thành một di sản văn hóa tiêu biểu của người Kháng ở vùng Tây Bắc đất nước.