Hoàng Su Phì là một trong 2 huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang. Đây là địa bàn cư trú của 13 dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Cở Lao, La Chí… Hoàng Su Phì có trên 3.700ha ruộng bậc thang trải đều khắp các xã, thị trấn. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trùng điệp và chạy từ ven suối lên đỉnh núi, tạo lên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành từ những bàn tay, khối óc và sự cần mẫn của người dân các dân tộc đời đời bám núi mưu sinh.
Với đặc điểm địa hình, địa lý cách biệt, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chính vì thế, đồng bào các dân tộc nơi đây còn bảo tồn và lưu giữ nhiều tín ngưỡng, nghi lễ và giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là các nghi lễ trong nông nghiệp nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
|
Lễ mừng lúa mới được các dân tộc tổ chức để tạ ơn tổ tiên đã giúp đỡ gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mùa mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi. (Ảnh: TH) |
Trước khi cấy lúa có nghi lễ cúng vụ cấy, khi thu hoạch lúa thì có nghi lễ cúng mừng cơm mới. Tại lễ mừng cơm mới, thầy cúng sẽ giúp gia chủ mời đón các vị thần nhà, thần nông, thần thổ địa… về cho gia chủ làm lễ tạ ơn vì đã giúp đỡ cho được mùa màng bội thu, mọi người được mạnh khỏe.
Mỗi dân tộc lại làm lễ theo những cách khác nhau, nhưng lễ mừng lúa mới được các dân tộc tổ chức để tạ ơn tổ tiên đã giúp đỡ gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mùa mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Trải qua nhiều thế hệ, cho đến ngày nay, dù đời sống đã nhiều thay đổi, song người các dân tộc tại Hoàng Su Phì vẫn giữ nguyên tập tục này.
Theo nghi thức truyền thống của người Dao tại Hoàng Su Phì, trước khi tổ chức lễ mừng lúa mới, mỗi gia đình phải đi rước hồn lúa mới từ cánh đồng về nhà. Vào buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín, buộc thành những bó nhỏ phơi trước nhà. Sau đó, chọn ra những bông to nhất buộc thành cụm treo lên vách nhà. Còn lại đem tuốt để làm cốm, nấu xôi dâng lên tổ tiên, trời đất.
Người Dao cho rằng khi có cơm mới thì ông bà, tổ tiên, các vị thần linh phải là người được dùng trước, vì đã phù hộ cho gia đình có một mùa màng bội thu. Bởi vậy họ phải soạn một mâm lễ để dâng lên tổ tiên với những lễ vật gồm cơm mới, cốm, gà luộc, hoa quả và hương, tiền giấy và rượu.
Lễ vật quan trọng nhất trong lễ mừng cơm mới là xôi nếp nấu với nước lá gừng tươi. Xôi chín, cho xôi ra lá chuối và hòa nước lá gừng vào xôi tạo thành màu xanh và tăng thêm mùi thơm của gạo nếp, trên những bát xôi, họ xếp những bông lúa thành vòng tròn nối các bát với nhau. Ngoài ra còn có sâu măng, cá chép ruộng, nhộng ong... là những sản vật của ruộng đồng và các con vật đã phù hộ, giúp đỡ cho gia đình có một mùa vụ tươi tốt.
|
Người La Chí đi gặt để rước hồn lúa về nhà. (Ảnh: Ngọc Phúc). |
Đối với người La Chí, để chuẩn bị cho lễ cúng mừng cơm mới, các gia đình chuẩn bị đầy đủ trong mâm lễ, chủ yếu là thịt của những con vật hay phá hoại mùa màng thường ngày đi rừng, đi nương bắt được, mang về sấy khô trên gác bếp để phục vụ những nghi lễ nhằm vụ sau sẽ không bị những con vật ấy đến phá hoại; và lễ cúng lúa mới còn có rượu hoẵng phải được uống bằng sừng trâu…
Đặc biệt, trong lễ mừng cơm mới phải có cơm nếp, cơm tẻ là cơm mới vừa được gặt ở ruộng, nương về. Thường trước ngày cúng lúa mới, những người phụ nữ trong gia đình sẽ đi gặt để rước hồn lúa về nhà, trong lúc gặt không được nói chuyện, lúc mang lúa về không để rơi đường hay suối, tránh mất hồn lúa về nhà. Sau khi gặt xong mang về nhà hấp, phơi trên gác bếp để rạng sáng hôm sau khi gà gáy 2 lần thì tuốt hạt thóc rồi mang đi giã cốm, nhà nào không làm cốm thì đồ xôi để chuẩn bị cúng lúa mới. Nếu gia đình nào không còn cha mẹ, thì con cái mới được làm, còn không thì trẻ con không được nghịch xôi hay cốm.
Sau khi các nghi lễ được cúng lễ xong, cả gia đình quây quần dọn cơm ăn, mỗi người trong gia đình nắm một nắm cơm nhỏ kèm một con cá vào và ăn để lấy lộc, rồi mời bà con hàng xóm cùng nếm cơm mới.
Trong ngày Lễ mừng cơm mới từ già, trẻ, thanh niên nam, nữ trong bản cùng nhau tập trung trên bãi đất trống hoặc đồi bằng để chơi ném còn, quay đu vòng tròn, hát giao duyên, hát đối đáp… một số phụ nữ ngồi nhà hoặc dưới bóng cây cùng nhau thêu thùa, may vá trang phục của mình.
Còn lễ mừng cơm mới được người Nùng tiến hành trước khi bước vào vụ gặt. Vì các nương lúa thường không chín đồng loạt, nên các nhà thường chọn ngày khác nhau để làm Lễ mừng cơm mới. Họ thường chọn ngày đẹp (thường là ngày “Thìn”) tránh vào ngày kiêng cữ của gia đình để ăn tết.
Đây cũng là dịp để người Nùng thể hiện tình cảm, tạ ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng thắng lợi; cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt.
|
Nghi lễ đón rước hồn lúa mới trong lễ cúng. (Ảnh: Báo Hà Giang). |
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ mừng cơm mới của người Nùng là rước hồn lúa mới về nhà. Người Nùng quan niệm cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, trước khi tổ chức Lễ mừng cơm mới, mỗi gia đình phải đi rước hồn lúa mới từ cánh đồng, nương rẫy về nhà.
Để thực hiện nghi lễ này, vào buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín, buộc thành những bó lúa gánh về nhà; sau đó chọn ra những bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ. Còn lại đem tuốt để làm cốm hoặc nấu thành xôi dâng lên tổ tiên, trời đất.
Sau khi rước hồn lúa mới xong, bà con chuẩn bị lễ cúng cơm mới. Nét đặc sắc của tục lệ này, là lễ vật dùng để cúng; chủ yếu là sản vật sẵn có được trồng từ nương rẫy, chăn nuôi; và đặc biệt, trong mâm cúng không thể thiếu xôi và bánh dầy. Theo đó, gia chủ sẽ lựa chọn những bông lúa nếp của vụ mới to và mẩy nhất, những người phụ nữ trong gia đình sẽ đồ xôi trong những chiếc chõ gỗ. Khi xôi chín, một nửa được bày lên mâm cỗ, nửa còn lại được các mẹ, các chị giã mịn, nặn thành bánh dầy.
Sự đa dạng trong cách thức thực hiện lễ cúng mừng cơm mới không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang, mà còn tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.