Nền văn hoá lâu đời của người Chăm phát triển rất rực rỡ, luôn ý thức lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống. Điều này thể hiện qua các lễ hội cổ truyền của người Chăm như: Lễ tạ ơn, lễ cầu an, lễ hội đua ghe ngo, lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed, lễ Ramadan, lễ hội Roya, lễ mừng nhà mới...
Khi xây cất một ngôi nhà, người Chăm quan niệm, việc dựng cột nhà rất quan trọng, có sự tham gia của cộng đồng, bản làng, sau khi chọn được vị trí dựng nhà ưng ý, gia chủ chọn ngày thuận lợi, khoảng 6 giờ sáng mời đại diện Ban giáo cả (sư cả đạo Hồi) và các thanh niên khỏe mạnh đến nơi dựng cột, thực hiện các nghi thức dựng cột nhà.
Chủ nhà tiến hành nghi thức “hứng mạt cưa”. Ông giáo cả cưa đầu cột, phía dưới dùng mâm phủ vải trắng hứng mạt cưa, sau đó dùng vải trắng gói lại rồi để lên đòn dông. Còn các nam thanh niên sẽ tiến hành đào lỗ chôn cột nhà. Khi đào lỗ người Chăm cắt trái bí đao rồi chôn dưới cột nhà, với ý nghĩa để ngôi nhà luôn mát mẻ, thuận lợi và bình yên với gia chủ.
|
Nghi thức dựng cột nhà của người Chăm Islam. |
Khi dựng cột các thanh niên chia thành hai nhóm kéo dây, tất cả cùng đọc kinh Salawat Nabi MohamMach vừa đọc vừa kéo dây dựng cột thẳng lên với ý nghĩa cầu xin thánh ban những điều tốt đẹp đến gia đình gia chủ. Xong nghi thức dựng cột nhà, chủ nhà giao phần còn lại cho thợ xây hoàn chỉnh. Nhà của người Chăm có kết cấu hình chữ I với cây đòn vông vát theo trục Đông - Tây, hầu hết nhà đều có sàn cao để chống lũ. Cửa hơi thấp để khách vào nhà hơi cúi đầu để bày tỏ sự tôn kính với chủ nhà. Mặt tiền nhà mỗi ngôi nhà người Chăm đều bố trí thang gỗ để khách đến hay người trong gia đình đi lại thuận tiện.
Sau khi làm nhà xong, người Chăm tiến tiến hành làm lễ mừng nhà mới. Thời gian làm lễ thường vào đầu giờ chiều từ 13 giờ đến 14 giờ. Trong ngày này, chủ nhà trang trí nhà thật đẹp, chuẩn bị một lò bếp, một hũ gạo, hũ muối để hành Lễ.
|
Một mẫu nhà truyền thống người Chăm. |
Đúng giờ nam giới tới thánh đường cầu nguyện, nữ giới cầu nguyện ở nhà, sau đó tập trung tại ngôi nhà mới đón khách. Đến mừng tân gia, mọi người trong làng mang tới chủ nhà những vật phẩm cần thiết cho gia chủ với ý nghĩa thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, cùng chung vui ăn mừng.
Trong ngôi nhà mới, đồng bào Chăm Islam thực hiện nghi lễ đọc kinh, những chàng trai tham gia lễ cúng tạ ơn ngồi thành hàng và cùng với giáo cả đọc kinh cầu phước, cảm tạ ơn các đấng bậc bề trên đã giúp cho gia đình có được ngôi nhà, đồng thời cầu mong cho gia đình làm ăn thuận lợi, phát đạt. Dịp mừng nhà mới, diễn ra các hoạt động văn nghệ truyền thống, các chàng trai cô gái Chăm biểu diễn dân ca, dân vũ trong lễ hội mừng nhà mới…
Sau những nghi thức, những món bánh truyền thống rất đặc biệt, chỉ sử dụng trong những ngày lễ như: bánh Hapum, Hakalim, bánh Bakigah… được mang ra mời khách. Mọi người cùng ăn bánh, uống trà, vui vẻ mừng cho gia chủ.