Lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai

Thứ ba, 23/11/2021 09:18
(ĐCSVN) – Lễ “tạ ơn cha mẹ” là một nét đẹp văn hoá của người Gia Rai, tỉnh Gia Lai, mang đậm nét văn hoá truyền thống, có ý nghĩa to lớn về giáo dục cách ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong mỗi gia đình, làng bản và cộng đồng người Gia Rai.

Trong đời sống người Gia Rai, cách cư xử báo hiếu cha mẹ của đồng bào không chỉ thể hiện qua cách cư xử hàng ngày, còn thể hiện bằng một nghi lễ lớn và trang trọng, đó là lễ “Tạ ơn cha mẹ”.

Trong dịp này, người con một đã có gia đình, có nhà riêng và làm ăn thuận lợi, có kinh tế khấm khá. Trước khi tổ chức người con xin phép bố mẹ, dòng tộc về việc muốn tổ chức lễ để tạ ơn cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi dậy con lớn khôn nên người. Tùy vào điều kiện kinh tế, mà người con quyết định quy mô tổ chức hay mua sắm các vật phẩm để tạ ơn cha mẹ, nếu giàu có thì mổ bò còn nếu không thì một con heo lớn, một con gà và một ghè rượu ngon.

Lễ tạ ơn cha mẹ có phạm vi tổ chức trong gia đình, dòng tộc nhưng làm khá long trọng, thời gian tổ chức diễn ra trong hai ngày. Thông thường ngày đầu tiên là phần lễ trong gia đình gồm những người thân thích, ngày hôm sau mới mở rộng, mời bà con, họ hàng, làng xóm xa gần đến cùng chung vui.

Để chuẩn bị cho buổi Lễ, người con nuôi thật nhiều heo, gà và sắm các vật phẩm cần thiết để làm cỗ trong ngày tổ chức, họ cảm thấy rất xấu hổ nếu bản thân không có điều kiện để tổ chức lễ tạ ơn cha mẹ mình.

Khi được sự đồng ý của cha mẹ, người con sẽ mang lễ, một ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo (hoặc bò). Lấy tiết con vật cúng bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Gà, thịt heo được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc ghè rượu. Họ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu lên cha mẹ và con. 

 Nghi thức tặng Zèng cho bố mẹ của vợ chồng người con, trước sự chứng kiến của già làng và dân làng. Tiếp đó hai vợ chồng mời bố mẹ uống rượu cần.

Tiếp theo cha mẹ là con sẽ lần lượt uống rượu cần, khấn thần linh, ông bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu. Cảm ơn họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, gia đình bình yên, hạnh phúc… sau phần Lễ là phần Hội, các nhạc cụ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền được con cháu trong gia đình, khách mời và các thanh niên nam nữ người Gia Rai tới dự cùng tham gia diễn xướng, biểu diễn các bài hát, điệu múa truyền thống Gia Rai tạo lên một không gian văn hoá tràn đầy âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên.

Lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai là một hoạt động lâu đời, thẩm thấu nếp sống nhân văn, nội dung Lễ không chỉ phản ánh sinh động những nét đẹp trong nền văn hóa Tây Nguyên mà còn góp phần cho bức tranh văn hóa Cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.

Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực