Cư trú chủ yếu trên lưu vực sông Sê San và sông Mê Kông (Tây Nguyên), cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống độc đáo, trong đó, Lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Brâu.
Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu thường tổ chức vào khoảng tháng 5 âm lịch, khi bà con bắt đầu chuẩn bị xuống giống: tỉa lúa, trỉa bắp, trồng mì... Lễ hội phản ánh những ước mong, hy vọng mộc mạc của bà con dân bản về một vụ mùa thu hoạch được nhiều lúa, nhiều mì, nhiều khoai, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Thời gian tổ chức Lễ vào khoảng tháng 5 âm lịch khi bà con bắt đầu chuẩn bị xuống giống. Lễ trỉa lúa diễn ra trong hai ngày do bản làng, hoặc một nhóm gia đình và có thể chỉ do một gia đình tổ chức. Tham dự Lễ hội, ai nấy đều sôi nổi mong muốn được hòa mình cùng lễ hội truyền thống.
|
Sau nghi thức mời chiêng Tha ăn là phần khấn lễ và thụ lộc. |
Già làng A Ót, dân tộc Brâu, làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), người có uy tín với bản làng, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi Lễ, phân công việc cho mọi người, để ai cũng có thể được góp công, góp của cho Lễ hội quan trọng của cộng đồng. Đồng bào Brâu không phân biệt nam, nữ hay độ tuổi tham dự Lễ. Để thanh tịnh, trước ngày hành lễ, trong 7 ngày, người thụ lễ phải ở nhà, làm điều thiện, không uống rượu, ăn cay, ăn thịt, không đi nương rẫy hay chặt cây phá rừng…
Lễ vật đồng bào chuẩn bị bao gồm hai ché rượu cần, ba con gà, một con lợn, một con dê và những hạt giống dùng để gieo trong vụ mùa mới. Mỗi loại hạt giống một nắm cùng các loại lá cây rừng, lá thuốc, cơm lam. Trong phần lễ, thầy cúng sẽ lấy tiết của các con vật trộn chung với hạt giống.trộn vào nhau để cúng thần linh.
Với vai trò điều hành, già làng thực hiện nghi thức truyền thống - cúng chiêng Tha. Trong suốt quá trình hành Lễ, chiêng Tha có vị trí đặc biệt trang trọng. Người Brâu quan niệm rằng, chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, tổ tiên của họ, đó là vật chủ thông linh giữa thế giới thần linh và con người. Nó có chức năng phán truyền trong đời sống cộng đồng.
Sau nghi thức mời chiêng Tha ăn là phần khấn lễ và thụ lộc, già làng sẽ ngồi trước hai vò rượu và cúng, mời các thần linh về hưởng thụ... Khi bài chiêng “Đón khách” được tấu lên rộn rã cũng là lúc dân bản, khách khứa vui vẻ cùng nhau quây quần uống rượu.
Sau phần Lễ, phần Hội diễn ra tưng bừng, vui vẻ với sự tham gia rộng rãi của cả cộng đồng, không gian lễ trỉa lúa rộn rã trong nhịp trống, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn klôngpút, dân ca, dân vũ. Những cô gái Brâu trong trang phục truyền thống uyển chuyển trong các điệu múa, cùng các chàng trai nồng say bên ché rượu... Tất cả hòa quyện, tạo nên một lễ hội đầy âm sắc Tây Nguyên.
|
Hạt giống mang về gieo trồng vụ mùa mới của người Brâu. |
Sau 2 ngày lễ hội, già làng sẽ gói các hạt giống đã cúng tế, chia cho các thành viên trong làng về làm phép. Những hạt giống đó được mang về trộn chung với hạt giống của mỗi nhà, rồi đem đi tra hạt để khởi đầu cho một vụ mùa mới.