Múa Viêng Ver Guông – nét văn hóa độc đáo của người Khơ Mú

Thứ hai, 23/05/2022 17:25
(ĐCSVN) - Dân tộc Khơ Mú là một trong những dân tộc có kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú, đặc sắc. Trong nhiều giá trị văn hóa đặc sắc điệu múa Ong Eo với tên gọi Viêng Ver Guông là một trong những giá trị văn hóa mà người Khơ Mú vô cùng tự hào.
 Điệu múa Viêng Ver Guông là một phần nổi bật của những dịp hội hè. (Ảnh: KC)

Những điệu múa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc được hình thành từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, qua đó mô phỏng các động tác lao động và sinh hoạt của con người. Vì thế luôn chứa đựng bản sắc  riêng của mỗi dân tộc, trong đó có các giá trị văn hóa độc đáo. Viêng Ver Guông là một trong những điệu múa như vậy. Điệu múa Viêng Ver Guông không lẫn với bất kỳ điêu múa của dân tộc nào và đã trở thành niềm tự hào được duy trì trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú qua nhiều thế hệ.

Điệu múa biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa. Điệu múa Viêng Ver Guông là một phần nổi bật của Lễ hội Mừng năm mới, là sản phẩm văn hóa tinh thần tâm linh, tên gọi của điệu múa cũng mộc mạc và giản dị giống như bản chất của người sống bằng nghề nương rẫy lâu đời.

Người Khơ Mú không biết điệu múa Viêng Ver Guông có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên thì những chàng trai, cô gái người Khơ Mú đã được ông, bà của mình truyền lại cho điệu múa này. Cứ đến mùa Lễ hội, dân trong làng lại cùng nhau múa điệu múa Viêng Ver Guông, mừng mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa. Trải qua bao đời, Lễ hội Mừng năm mới và điệu múa Viêng Ver Guông đã trở thành di sản văn hóa dân gian đặc sắc, được dân tộc Khơ Mú gìn giữ qua nhiều thế hệ.

 

Điệu múa Viêng Ver Guông đã trở thành di sản văn hóa dân gian đặc sắc, được dân tộc Khơ Mú gìn giữ qua nhiều thế hệ. (Ảnh: Kim Cương)

Múa Viêng Ver Guông là điệu múa khó, đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, linh hoạt của nhiều động tác trên cơ thể. Ở điệu múa này người múa tự khoe mình là chính, không gò bó trong từng đội hình, trong tiếng nhạc rộn ràng người múa hòa vào dòng người xem, đây chính là nét độc đáo của điệu múa Viêng Ver Guông. Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên với sức sống dồi dào, người múa dường như hòa mình cùng với nhịp của tiếng chiêng, trống, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc, quên đi những lo âu của cuộc sống vất vả hằng ngày. Đối với người Khơ Mú, múa Viêng Ver Guông thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, điệu múa liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa.

Trăng đại ngàn vằng vặc soi trên sân nhà văn hóa bản Thàn (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), trong tiếng chiêng ngân nga hoà nhịp bring họa (trống đuổi khỉ), các chàng trai, cô gái Khơ Mú xúng xính những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, nhún nhảy nhịp nhàng trong vũ điệu Viêng Ver Guông mê đắm lòng người...

Viêng Ver Guông còn có tên gọi Ong eo bởi nó là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân nơi đây như: Gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ... Điệu múa biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa.

Xưa kia, đời sống khó khăn, quanh năm phải lo cái ăn, cái mặc nên thanh niên Khơ Mú chỉ múa vào những dịp tế lễ, hội hè khi tất cả bà con gác lại mọi công việc, tề tựu đông đủ trước sự chứng kiến của những bậc cao niên nhất trong bản. Ngày nay, những điệu múa ong eo, tăng bu, múa xòe vòng... được họ biểu diễn bất cứ lúc nào, nhất là vào những đêm rằm chơi trăng, hò hẹn.

Khi múa Ong eo, người nam thường đeo chiếc khoong khăn vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ, trong khi các cô gái với bộ váy thổ cẩm sặc sỡ, nụ cười duyên dáng, nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo khiến người xem ngẩn ngơ say đắm. Khi Ong eo mới bắt đầu, khoảng cách giữa khán giả và "diễn viên" còn được duy trì. Càng say sưa múa, người vòng ngoài, vòng trong càng đắm chìm cùng tiết tấu, nhịp điệu múa và khoảng cách mất dần. Khi ấy người múa tự khoe mình là chính, đội hình bị phá vỡ và tất cả hòa vào làm một, ai cũng múa, đắm đuối uốn lượn...

Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực