Nâng cao giá trị chè Khau Mút

Thứ hai, 04/10/2021 15:16
(ĐCSVN) – Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi Khau Mút cho hương vị thơm ngon, thượng hạng, bởi người dân ở đây đi hái chè như tìm kiếm một thứ quà tặng tự nhiên của núi rừng.

Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang không chỉ là địa danh được biết đến bởi khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ, cảnh vật nên thơ cùng núi non hùng vĩ... mà còn nổi tiếng với đặc sản chè Shan Khau Mút đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Chè Shan Khau Mút mang lại hiệu quả kinh tế, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang.

Xã Thổ Bình hiện có trên 250 ha chè Shan, trong đó có trên 25ha là chè Shan cổ thụ trên 100 tuổi. Chè được trồng trên độ cao 700 - 1.000m so với mực nước biển, với mật độ bình quân 2.000 - 2.500 cây/ha, tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước.

Chè Shan Khau Mút cổ thụ xã Thổ Bình Ảnh: ÚT MƯỜI. 

Chè Khau Mút hoàn toàn phát triển tự nhiên, cây được nuôi dưỡng bởi sự phì nhiêu của đất rừng, cây lớn lên và cho búp, người dân hái chè về sao bằng phương pháp thủ công, tuyệt đối an toàn. Điều đặc biệt của chè Shan Khau Mút cổ thụ là đồng bào phải trèo, đứng trên cây để thu hoạch chè. Có những cây chè cổ thụ có tuổi đời gần 200 năm.

Nếu như trước đây, chè Khau Mút được bà con địa phương thu hái và chế biến bằng hình thức thủ công, năng suất thấp thì ngày nay đã có các lò chế biến chè được đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá bán ra thị trường cao hơn. Để nâng cao giá trị vùng chè Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã có định hướng sản xuất chế biến chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại vùng chè cổ thụ này, đồng thời rà soát, sắp xếp lại hợp tác xã và các cơ sở chế biến để quản lý, vận động bà con tiếp tục chăm sóc chè theo hướng an toàn, hữu cơ, chế biến chè bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Là huyện vùng cao không có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, tuy nhiên, huyện Lâm Bình đã biết tận dụng lợi thế sẵn có, trong đó có đặc sản chè Khau Mút để giúp người dân thoát nghèo...

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình thu hoạch chè Khau Mút.  

Để nâng cao giá trị vùng chè Shan Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã có định hướng sản xuất chế biến chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, khám phá, du lịch trải nghiệm tại vùng chè Shan cổ thụ này. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại Hợp tác xã và các cơ sở chế biến để quản lý, vận động bà con tiếp tục chăm sóc chè theo hướng an toàn, hữu cơ, cũng như chế biến chè đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị  sản phẩm Chè Shan Khau Mút. Năm 2020, Chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, có chứng nhận sử dụng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đến nay, Hợp tác xã Đồng Tiến cũng đã liên kết với Hợp tác xã Sử Anh (TP Tuyên Quang) và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát (Yên Sơn) để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường cho sản phẩm chè Shan Khau Mút Thổ Bình. Sản phẩm chè Shan Khau Mút của xã Thổ Bình đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ bảo đảm an toàn thực phẩm do không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào mà vẫn giữ được hương vị chè Shan đặc trưng.  

Khi việc sản xuất trở thành đại trà, chất lượng phải đi đôi với thương hiệu, tên tuổi, thì mới bền vững trên thị trường; có như vậy các vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh mới phát huy được hiệu quả giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân; tạo dựng được uy tín trên thị trường.

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực