Nét độc đáo của di sản chữ viết trên lá Buông của người Khmer tại An Giang

Thứ sáu, 12/11/2021 16:09
(ĐCSVN) – Kinh lá Buông mang đậm nét văn hóa tinh túy, độc đáo gắn liền với tôn giáo của người Khmer ở An Giang, là “báu vật” người xưa để lại.

“Báu vật” của người Khmer An Giang

Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian, bên trong ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là Kinh Phật. Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây Buông, gọi là Kinh lá Buông (Xatra Slấkrít), đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá Buông, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Bali (theo trường phái Thomanadut và Mahainikai) xuất hiện từ thế kỷ XIX.

Kinh lá Buông thể hiện những giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật cao của nghệ nhân Khmer, từ việc chọn lá, cách phơi lá, cách chế biến và sử dụng bột đen làm nổi bật các con chữ. Đây là những giá trị văn hóa phi vật thể, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer.

Kinh lá Buông. (Ảnh minh họa) 

Kinh lá Buông có 4 loại gồm: Kinh Phật; Truyện cổ dân gian; Hội hè, trò chơi dân gian; Bài giáo huấn dân gian.

Kinh Phật chạm khắc trên lá Buông là tài liệu quí, chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, Kinh thuyết pháp, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, kinh đức Phật Thích Ca, Tam Tạng Kinh...

Kinh chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Thvai PresKhe (Cúng trăng), Lễ Dolta (Cúng ông bà),...

Để có được bộ kinh lá buông hoàn chỉnh là quá trình công phu, nhiều tâm huyết. Trước tiên, phải chọn những chiếc lá buông đủ lớn, không bị rách mang về chùa. Sau đó, các sư mang lá đi phơi nắng cho đủ khô nhằm đảm bảo những bộ kinh không bị ẩm mốc. Khi đã có đủ số lá cho một bộ kinh, các sư bắt tay vào công đoạn viết chữ.

Việc viết chữ trên lá, đúng hơn là khắc chữ trên lá; Đây là việc làm rất kỳ công. Nghệ nhân dùng một cây viết có ngòi bằng kim loại đầu nhọn gọi là đéc-cha chạm từ từ lên lá đã được phơi khô, khắc chạm trên lá phải đều tay, không được nhẹ quá vì nhẹ làm cho nét chữ không rõ, mạnh quá thì làm cho lá bị lủng lỗ, sản phẩm xem như hỏng. Người khắc chữ phải khéo léo, tỉ mỉ, phải biết rõ đường nét của chữ để không bị viết lệch ra ngoài đường viền hay hàng đã được khắc sẵn, vì chỉ sai một nét là phải bỏ đi lá đó không thể sửa lại được. Theo các vị sư trước đây, muốn khắc chạm được một bộ kinh lá thì nghệ nhân phải tìm một không gian yên tĩnh, tập trung cao độ và phải ở nơi đó cho đến khi hoàn thành mới thôi. Do đó, nghệ nhân viết kinh lá trước đây thường là các vị sư, vì chỉ các vị sư mới đạt trạng thái thiền định rất cao. Viết xong, người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên rồi chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Cứ thế, người ta viết hết trang giấy lá này qua trang giấy lá tiếp theo, cho tới khi viết hết tài liệu đó thì xỏ lỗ “đóng” các trang viết thành một tập sách có bìa gỗ, thế là có một Satra hoàn chỉnh. Để tăng cường độ bền, nhất là làm cho sách đẹp đẽ quý giá, người ta lấy dung dịch nước bột vàng quét phủ lên gáy sách, bìa sách tựa sơn son thếp vàng.

Mỗi bộ Kinh dày từ 5 - 8cm, nặng 300 - 600 gram. Mỗi bộ Kinh có từ 4 -10 cuốn (quyển); mỗi cuốn có 20 - 60 lá kinh; mỗi lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá Buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.

Người Khmer tin tưởng nội dung thuyết pháp của Kinh lá Buông hơn so với Kinh sách thông thường, đây là di sản văn hóa đặc sắc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer và phật tử Phật giáo Nam Tông.

Với những giá trị độc đáo, năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ứng dụng công nghệ số để bảo tồn di sản

UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030", nhằm có phương án bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer, sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Đề án, giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2026, An Giang sẽ tập trung đánh giá, tập hợp, xác minh, phân loại và chỉnh lý phục hồi di sản; nghiên cứu và xác định chữ viết trên lá Buông là tiếng Bali cổ hay tiếng Khmer cổ; hướng dẫn phương pháp bảo quản, gìn giữ các bản chữ viết trên lá Buông.

Giai đoạn này, tỉnh cũng sẽ tư liệu hóa và số hóa các di sản chữ viết trên lá Buông của người Khmer trên địa bàn An Giang; xây dựng mới các dị bản của một số bộ Kinh phục vụ cho công tác giáo dục di sản và phát triển du lịch; dịch thuật một số nội dung Kinh lá Buông; tăng cường việc quảng bá, phát huy di sản nhằm thu hút mọi nguồn lực của xã hội….

Giai đoạn 2 từ năm 2028 - 2033, An Giang xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, việc thực hiện đề án có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng của An Giang; là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiểm kê, nhận diện, đánh giá thực trạng. Trên cơ sở đó, có thể áp dụng các biện pháp đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo từng giai đoạn một cách hợp lý, khoa học.

 

 

Minh An (T/H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực