Nét tín ngưỡng ẩn dấu trong âm nhạc Chăm

Thứ tư, 22/06/2022 15:22
(ĐCSVN) - Đồng bào Chăm có một nền văn hóa lâu đời, đa dạng, phong phú cả về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán và các loại hình nghệ thuật. Trong đó, âm nhạc là một phần rất quan trọng đối với lễ hội của người Chăm, không chỉ là nhạc cụ mang lại thanh âm, giai điệu độc đáo, cuốn hút, các nhạc cụ truyền thống này còn chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của người Chăm.
 Trống Paranưng thường được đặt trước ngực biểu hiện cái tâm của con người.

Trong các nhạc cụ trên thì trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai là bộ nhạc cụ chính trong dàn nhạc lễ Chăm và là biểu tượng của một thể thống nhất các bộ phận của vị thần. Trong đó, kèn Saranai là biểu tượng cho phần đầu, trống Paranưng là phần bụng (ôm vào bụng ngồi vỗ), đôi trống Ghinăng là hai chân (luôn để bắt chéo và ngồi biểu diễn, một tay vỗ vào mặt trống phía trên và một tay cầm dùi để đánh phía dưới). Được người Chăm xem như loại nhạc cụ thiêng liêng nên trước những ngày lễ hội Katê khi mang ra sử dụng phải làm lễ cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và nghênh đón thần linh.

Trống Paranưng được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người. Bởi lẽ trống có hình tròn, bịt da một mặt, thân trống làm bằng gỗ, xung quanh thân trống đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và có quấn dây mây xung quanh. Trống có 3 âm chính: tác, tăm, tằm. Khi sử dụng trống Paranưng nghệ nhân Chăm đặt trống trước ngực, để vành trống tì vào đùi, tay trái đặt lên vành trống, vừa để giữ trống, vừa để vỗ, tay phải để tự do, với thủ pháp rung ngón và đôi khi dung cả bàn tay trái bịt lại để tạo thành âm ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống để tạo nên âm trầm, nếu đánh nửa bàn tay sẽ tạo âm thanh bổng.

Trống Ghinăng có đôi có cặp. 

Trống Ghinăng là trống dài hình trụ, thường biểu diễn bằng cặp đôi để nghiêng nằm chéo hơi phình ở giữa và được bào nhẵn cả trong lẫn ngoài. Trống Ghinăng bao giờ cũng được làm một cặp. Hai mặt trống căng da, mặt nhỏ căng da dê, đường kính 0,24m, mặt này người Chăm gọi là chang (mặt dương) vỗ bằng tay có 2 âm chính tớ, tìn. Khi diễn tấu người nghệ nhân đặt chéo hai trống với nhau, một mặt tiếp đất, một mặt hướng lên trời, điều đó thể hiện sự hoà hợp âm dương cũng như đời sống tâm linh và sinh hoạt thường ngày của người Chăm. Mặt trống Ghinăng tiếp đất bao giờ cũng được đánh bằng tay phải và được đánh bằng dùi, còn mặt hướng lên trời bao giờ cũng được vỗ bằng tay không với kỹ thuật biểu diễn điêu luyện.

Kèn Saranai được thổi bằng hơi, cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: Phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông, dùng để thổi, phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc, phần loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu hoặc ngà voi, rỗng ruột. Kèn Saranai là nhạc cụ định âm duy nhất hiện hữu trong đời sống tín ngưỡng, trong sinh hoạt lễ hội và đời thường của người Chăm. Kèn Saranai có chức năng thổi phần giai điệu dựa theo tiết tấu trống Paranưng và trống Ghinăng, ngoài ra kèn thường được diễn mở đầu cho mỗi điệp khúc mới hay chuyển từ điệp khúc này sang điệp khúc khác theo hiệu lệnh của người vỗ.

Theo quan niệm của người Chăm, 3 nhạc cụ kèn Saranai, trống Ghinăng và trống Paranưng tượng trưng cho trời đất và con người nên chúng được diễn tấu cùng nhau thể hiện sự hoà nhập thiên, địa, nhân thể hiện bằng một bản hoà ca dưới đất trời thiên nhiên, đây được xem như là một lời cảm tạ, cầu mong một năm đất đai tươi tốt, nguồn nước dồi dào.

Tiếng kèn, tiếng trống hoà quyện cùng với những điệu múa Chăm trong ngày lễ Katê khiến cho người nghe, người xem có cảm giác như đang bước vào thế giới của huyền thoại và cổ tích. Đằng sau mỗi nét nhạc rộn rã, mỗi điệu múa uyển chuyển là chất bay bổng, lãng mạn cả một đời sống tâm hồn phong phú của đồng bào Chăm.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực