Theo các nhà nghiên cứu văn hóa múa dân gian Khmer đã hình thành và phát triển lâu đời có hai loại chính là múa dân gian và múa cung đình. Múa cung đình mang tính cổ kính, uyên thâm và trang trọng. Còn múa dân gian lạc quan, yêu đời và có tính chất hóm hỉnh, thoải mái. Hiện nay, múa dân gian vẫn được lưu truyền rộng rãi trong đời sống của người Khmer ở các phum, sóc tiêu biểu như các điệu múa Rom Vong (múa vòng tròn), Lăm Leo, Saravan... Vào những dịp lễ, tết hay các lễ mừng nhà mới, đám cưới, đồng bào thường tổ chức múa hát tập thể, tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.
Ở Sóc Trăng, múa Rom Vong là một thực thể văn hóa quan trọng trong đời sống người dân, các phum, sóc, hiện vẫn lưu giữ những điệu múa Rom Vong uyển chuyển và tiếng nhạc Ngũ Âm. Đồng bào tổ chức múa Rom Vong vào dịp các hoạt động cộng đồng, không gian biểu diễn linh hoạt, không bó buộc, có thể tổ chức múa ở mọi lúc mọi nơi. Trong các buổi giao lưu văn nghệ hay có thể múa tại nhà, trên sân chùa, ngoài đồng ruộng, nhiều khi chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động nhạc cụ chỉ dùng thau nhôm, thùng nhựa làm trống.
Múa Rom Vong vui nhộn, dung dị nhưng không kém phần dịu dàng, người múa có sự phối hợp giữa các động tác tay, chân kết hợp toàn thân uyển chuyển, nhịp nhàng theo từng điệu nhạc, thu hút người tham gia. Khi múa, người múa di chuyển vòng tròn, theo nhịp 2/4. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu Rom Vong, từng đôi trai gái hoặc từng người bước đều 3 bước và lui một bước, hai tay để trước ngực, các ngón tay thẳng đứng và cong lên như cánh những đóa tươi, một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc… Các động tác chính trong múa Rom Vong có tay khuôn, tay che, tay chỉ, tay nhận, tay bông hoa cùng các động tác khác, mỗi động tác biểu cảm về một bối cảnh trong cuộc sống thường nhật, mang những sắc thái tươi tắn, vui tươi, lạc quan, phản ánh những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Không chỉ bó hẹp trong không gian diễn cộng đồng, múa Rom Vong còn gắn với không gian cung đình, thể hiện qua việc được đồng bào Khmer sử dụng múa trong các lễ hội truyền thống như Chol Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok, các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền như lễ tế thần linh, lễ rước thần, lễ cầu an, lễ Arăk. Đi kèm với múa Rom Vong là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Khmer như trống sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ, múa Rom Vong phải tuân theo một số qui tắc nhất định như: Người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu.
Múa dân gian Rom Vong của người Khmer Nam Bộ còn ảnh hưởng và có quan hệ mật thiết với kiến trúc, hội họa và đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ. Thể hiện qua việc được múa ở chùa, nơi tu tập, điểm đến hàng năm của cư dân trong vùng. Không chỉ có ý nghĩa mang lại nhu cầu vui chơi, giải trí thụ hưởng văn hóa với người dân Khmer, nó còn là sợi dây kết nối cộng đồng, giúp mọi người giao lưu, đoàn kết, gắn bó nhau hơn trong cuộc sống. Vào những dịp diễn ra các lễ hội, hay các hoạt động cộng đồng, không chỉ có đồng bào Khmer múa mà cả các dân tộc anh em khác như người Kinh, Hoa, Ba Na, M’ Nông, Gia Rai…cùng hòa mình vào điệu múa dân gian tươi vui này, thể hiện sự lan tỏa văn hóa, khả năng thu hút của điệu múa với tất cả mọi người.
Cùng đó, múa Rom Vong còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đã xuất hiện trong những ca khúc sâu đậm tình người như: “Chiếc áo bà ba”, “Về Sóc Trăng vui điệu Lâm Thôn”, “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng”...
Song hành cùng đời sống, văn hóa của người dân Nam Bộ, được lưu giữ và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử đất nước, múa Rom Vong đã trở thành tài sản văn hóa chung của các dân tộc vùng đất Nam Bộ, góp phần tạo lên cuộc sống hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời tạo lên những sắc mầu văn hóa tươi tắn trong bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đa dạng và lung linh sắc mầu.