Người Dao với nghi lễ tri ân Bàn Vương

Thứ ba, 14/11/2023 14:53
(ĐCSVN) – Tết Nhảy của người Dao là một nghi lễ dân gian có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cộng đồng dân tộc Dao. Tết nhảy chỉ tổ chức tại nhà có ban thờ tổ, để thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức Bàn Vương thủy tổ người Dao.

Tết nhảy người Dao tổ chức vào thời gian từ mồng 1 đến 25 tháng Chạp, cúng vào buổi sáng, diễn ra khoảng 3 ngày, 3 đêm. Tục lệ này được thực hiện theo chu kỳ ba năm: Càng nhỏ vào năm thứ nhất, thứ hai, càng lớn vào năm thứ ba.

Đây là nghi lễ của một dòng họ tổ chức để cúng tổ tiên, tất cả mọi công việc được tiến hành tại nhà của ông trưởng họ, nơi đặt bàn thờ tổ tiên cả họ. Nếu vì lý do nào đấy mà không tổ chức được ở nhà trưởng họ, thì mọi người trong dòng họ sẽ họp bàn và chọn trong dòng họ một người có uy tín và hiểu biết, để đứng ra lo công việc này. Tết nhảy có sự chung tay của cả bản, làng, vì vậy cũng là tết của cả cộng đồng người Dao.

Trong đời sống tín ngưỡng người Dao, Bàn Vương đứng đầu các nhánh tộc người Dao, là vị vua tài giỏi, có sức mạnh vô hình, luôn độ trì, giúp đỡ dân tộc Dao. Bàn Vương được người Dao thờ cúng nhất mực kính trọng và linh thiêng cùng với tổ tiên của người Dao.

Tết nhảy có nhiều nghi thức dâng lễ Bàn Vương, tổ tiên nhiều đời, ông, bà, cha mẹ đã khuất. Các nghi thức lễ có cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (Cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn. Lễ vật dâng tế gồm: Hương, hoa, đăng, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh giầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ… Đội cúng tế gồm 3 người, 1 người là thầy cúng, 2 người phụ giúp chủ Lễ. 

 Chủ lễ thực hiện nghi thức cổ truyền trong Tết nhảy của người Dao quần chẹt, tỉnh Tuyên Quang.

Tết nhảy gồm hai phần chính lễ và hội đan xen nhau, người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Những màn múa có múa văn và múa võ - Múa văn là vũ điệu con cháu mời ông bà tổ tiên về vui tết nhảy, phù hộ cho gia đình được an khang thịnh vượng. Múa võ là những vũ điệu mạnh mẽ, tái hiện quá khứ, tổ tiên người Dao từng phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại kẻ thù để vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những người hành Lễ múa bài Thượng đàn đầu tiên, mỗi người cầm một dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa kiếm, điệu múa có ý nghĩa mở đường, dọn đường, quét đường. Điệu múa chuông thể hiện sự thành kính, tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng, dòng tộc, bày tỏ ước muốn các thành viên gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi. Múa rùa diễn tả các động tác tìm, bắt, trói rùa, ba ba về dâng cúng Bàn Vương và các vị thần, tổ tiên, thể hiện lòng can đảm, sự rèn luyện gian nan mới có được thành công.

Sau khi các điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm kết thúc, thày Lễ đọc bài chiêu binh, chiêu lúa gạo khao quân, múa tiễn các loại ôn dịch, rồi chia tiền, hóa tiền giấy, ngựa…tiễn đưa các vị thần. Sau đó các thày Lễ thực hiện lễ cúng ngoài trời, kết thúc phần lễ trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la rộn rã báo hiệu một kỳ lễ hội thành công.

Kết thúc phần Lễ là phần Hội với sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian: nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về công lao tổ tiên đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ. Người dân các làng, bản người Dao sôi nổi tham gia vào các điệu hát múa truyền thống, tạo nên một không khí lễ hội tưng bừng, vui vẻ, đoàn kết trong các bản làng người Dao.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực