Nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu

Thứ năm, 20/04/2023 15:19
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất tỉnh Quảng Nam, đồng bào dân tộc Cơ Tu hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống giàu bản sắc, trong đó nhà Gươi là nơi phản ánh nhiều giá trị văn hóa lâu đời, tốt đẹp của người Cơ Tu.

Dân tộc Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở ba huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đồng bào có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Bao đời nay, người Cơ Tu sống quây quần bên những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là nhà Gươl. Các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt, linh hồn của buôn làng Cơ Tu. Nét đặc trưng nhất của nhà Gươl là nơi linh thiêng thờ cúng thần linh, tổ tiên, lưu giữ đời sống tín ngưỡng của người Cơ Tu.

Bên mái nhà Gươl, cùng các hoạt động mang dấu ấn văn hóa của tộc người, kiến trúc nhà Gươi mang đậm tư duy cảm thụ mỹ thuật, trong nhà Gươi phản ánh nhiều giá trị văn hóa lâu đời, đậm tính dân tộc Cơ Tu.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, khi xây dựng mỗi nhà Gươi, đồng bào thường bố trí trên mái nhà và phía hai đầu hồi, những bức tượng gà trống, chim tring, tượng người, tượng đầu trâu… Chúng được bố trí theo kỹ thuật đối xứng nhau. Những chi tiết kiến trúc, mỹ thuật mang lại vẻ đẹp cân đối, hài hòa cho ngôi nhà.

Trên những tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươi là nơi các nghệ nhân dân gian Cơ Tu sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội. Chủ đề thường là cảnh sinh hoạt lễ hội, sản xuất, săn bắt, cuộc sống gắn bó với núi rừng, sông suối, thiên nhiên con người.

   Nhà Gươl của người Cơ Tu trong không gian văn hóa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội).

Một nét độc đáo trong kiến trúc, điêu khắc ở nhà Gươi thể hiện trên các cây cột con, xà ngang và xà dọc thường được chạm khắc các bức phù cách điệu điêu đẹp mắt, có hình rồng, rắn, kỳ đà, tắc kè, ba ba, thỏ, cá. Cây cột cái nhà, một tâm điểm trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn trang trí in đậm bản sắc người Cơ Tu.

Nhà Gươl được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Các số đếm trong các bộ phận cột, đòn tay, bậc thang đều mang số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 phản ánh quan niệm về âm - dương, tín ngưỡng về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Cơ Tu.

Các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu còn sáng tạo những bức tượng gỗ trang trí nhà Gươi với nhiều chủ đề khác nhau như tượng chim tring, chim công, kỳ đà, tượng già làng uống rượu, cô gái múa, chàng trai nhảy hội, đánh chiêng, thổi kèn và sắp đặt trong ngôi nhà. Tượng gỗ có thể đặt ở chính diện nhà, hai bên cửa ra vào hay đặt ở phía trên xà ngang, xà dọc của nhà Gươl.

Các tượng tròn, hoa văn trang trí, phù điêu, tranh vẽ hay nghệ thuật kiến trúc, phong tục tập quán lâu đời gắn kết trong không gian nhà Gươl cùng tạo nên giá trị của ngôi nhà chung của cả bản làng.

Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, đồng bào Cơ Tu thường xuyên về giao lưu, giới thiệu văn hóa tại nhiều địa phương cả nước, qua đó giúp các dân tộc anh em khác hiểu hơn về vùng đất, con người và nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc Cơ Tu.

Nghệ thuật tạo hình, các phong tục, tập quán lâu đời tại nhà Gươi đang là kho báu của các bản làng người Cơ Tu, một di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu đang góp vào một vùng sáng trong bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, giúp nền văn hóa Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.

Bài, ảnh: N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực