Phát huy giá trị văn hóa Di sản Mo Mường

Thứ ba, 26/10/2021 16:09
(ĐCSVN) - Với những giá trị vô cùng đặc sắc, quý giá, tỉnh Hòa Bình xác định, việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị tốt đẹp của Di sản Mo Mường là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi người dân tỉnh Hòa Bình.

Mo Mường phản ánh về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thể hiện rõ nét qua sử thi, gồm các câu chuyện thần thoại với nội dung phản ánh nhận thức của con người về trời đất trong vũ trụ, quá trình kiến tạo trái đất, quá trình biển tiến, biển lùi trong lịch sử (chuyện đẻ đất, đẻ trứng Điếng; chia năm tháng, đẻ pèl, nước lụt nước cạn). Phản ánh sự phát triển của xã hội loài người, mối quan hệ giữa con người với nhau, đấu tranh để bước đầu manh nha hình thành xã hội có giai cấp (chuyện đẻ đất, đẻ tá cài, đẻ tá cần). Phản ánh sự phát minh ra lửa; những sáng tạo của con người trong quá trình tạo dựng cuộc sống để tồn tại và phát triển (chuyện xin lửa, đẻ bát, sanh, ninh, đẻ dầu đèn, đẻ tlống thôm, làm nhà). Phản ánh những bài học về sự đoàn kết và văn hóa tổ chức lãnh đạo để đấu tranh với thiên nhiên và xây dựng cuộc sống (chuyện tìm chu tìm lội, kéo cây chu đồng làm nhà, săn muông). Phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người trong mối tương quan cộng đồng, giai cấp và bài học về sự vong ơn bội nghĩa sẽ dẫn đến những thất bại khôn lường trong cuộc sống (chuyện đốt nhà Dịt Dàng)...

Với mo nhòm, thầy mo dẫn hồn người quá cố thăm các nơi, là tư liệu để tìm hiểu về các vùng Mường cổ. Với mo nghi lễ trong đám tang chứa đựng nhiều bài học răn dạy con cháu sống nên người. Trong mo, nhiều hình ảnh thần chỉ là cái vỏ, còn phẩm chất đã được nhân tính hóa có giá trị nhân văn sâu sắc...

Hòa Bình sẽ tôn vinh người có công bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy và học Mo Mường. (Ảnh minh họa). 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá, Mo Mường là sáng tạo vĩ đại của người Mường, tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở... Cùng với thời gian, Mo Mường đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và vùng đất Hòa Bình, cũng như bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Đó như "Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường, chứa đựng những tinh hoa văn hóa cần được hiểu biết thấu đáo và đáng được trân trọng, tôn vinh, truyền lại cho thế hệ sau.

Ngày nay, Mo Mường vẫn được người Mường trân trọng, lưu truyền và thực hành trong các nghi lễ. Tuy các roóng mo được cắt giảm, nhưng giá trị của mo vẫn luôn được khẳng định và có chỗ đứng vững chắc, với tư cách là yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa Mường, món ăn tinh thần của người Mường.

Với những giá trị vô cùng đặc sắc, quý giá, tỉnh Hòa Bình xác định, việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị tốt đẹp của Di sản Mo Mường là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định Mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng. UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban chỉ đạo Mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ năm 2016 trở lại đây, nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa Mo Mường đã từng bước thay đổi, nhất là sau khi Mo Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ thị số 08, ngày 20/1/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được ban hành. Năm 2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt và ban hành 2 đề án: Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường giai đoạn 2018 – 2030” và đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”...

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 20/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Mo Mường, tỉnh Hòa Bình sẽ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của di sản văn hoá Mo Mường. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về các giá trị đặc sắc, tiêu biểu của Di sản Mo Mường để thực hiện tuyên truyền quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,... Sản xuất phim quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa Mo Mường để phát sóng trên các kênh truyền hình, Cổng thông tin điện tử, kênh Youtube nhằm phát huy giá trị của Di sản.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng động viên các lớp nghệ nhân Mo Mường hiện có tiếp tục thực hành và truyền dạy di sản Mo Mường thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Xem xét, lựa chọn và đề nghị công nhận nghệ nhân Mo Mường là nghệ nhân ưu tú theo quy định; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đãi ngộ, tôn vinh người có công bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy và học Mo Mường cho phù hợp để kịp thời khuyến khích, động viên đội ngũ nghệ nhân Mo Mường quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận. Đồng thời, nghiên cứu, hướng dẫn thành lập các Câu Lạc bộ Mo Mường đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả theo quy định.

Trong các chương trình, sự kiện văn hóa của tỉnh, sẽ đưa nội dung trình diễn văn hóa Mo Mường để giới thiệu quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa Mo Mường gắn quảng bá di sản với phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa, con người, du lịch tỉnh Hòa Bình.

Minh Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực