Sắc mầu văn hóa tranh dân gian Hàng Trống

Thứ sáu, 17/11/2023 15:04
​(ĐCSVN) - Hình thành, phát triển cùng nền văn hóa Việt, tranh dân gian phản ánh chân thực tâm hồn, cuộc sống người dân, tư tưởng triết học trong tranh dân gian là mạch nguồn văn hóa dân tộc định hình tư duy sáng tạo của những nghệ nhân dân gian trong suốt quá trình lao động, sáng tạo.

Nổi bật trong những dòng cổ tại Hà Nội, tranh Hàng Trống vẽ để phục vụ nhu cầu người dân sinh sống ở đô thị, nên các nghệ nhân thường làm tranh khổ lớn, điều đó giúp tranh Hàng Trống phù hợp với không gian những phòng khách sang trọng. Tính độc bản tranh Hàng Trống rất cao, không phải dòng tranh in ra hàng loạt. Do vậy, người mua tranh Hàng Trống không chỉ để chơi, mà còn để sưu tầm, dòng tranh này càng để lâu năm, giá trị văn hóa, lịch sử càng cao.

Nét đặc trưng trong nghệ thuật chế tác của tranh Hàng Trống đó là các nghệ nhân trực tiếp vẽ bằng tay, truyền đạt cảm hứng sáng tạo trên tác phẩm kết hợp kỹ thuật dùng bản khắc in, hành nghề có tính phường thợ, cha truyền con nối. Nội dung tranh phản ánh về các đề tài Phật giáo, Đạo giáo, tranh thờ như: Tam toà Thánh Mẫu, tranh Tứ phủ, ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, Ngũ hổ, Độc hổ, Sơn trang... các tranh chơi như các bộ Tứ Bình hoặc Nhị bình, Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tố nữ, Kiều, bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục.

 Bức tranh Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống vẽ rất kỳ công, đường nét vẽ tinh xảo, gợi cảm, xen những mảng trống tạo không gian. Mầu sắc được vẽ bằng phẩm mầu có hoà sắc phong phú, thường là lam - hồng, có thêm lục - đỏ, da cam - vàng. Mầu phẩm tô bằng tay sau khi đã in các nét đen, pha ít hay nhiều nước mà có màu đậm nhạt.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, thời kỳ năm 1750 - 1960, nhiều đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chay, Tày, Nùng, Sán Dìu ở các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai,... về Hà Nội đặt những người thợ Hàng Trống vẽ tranh thờ. Những bức tranh này được đồng bào sử dụng trong các nghi lễ cổ truyền như lễ tang, lễ cấp sắc, lễ thủy lục đạo tràng, lễ cầu mùa, lễ Tam Nguyên…Hiện một số tranh như “Tứ Phủ Công Đồng”, “Ngọc Hoàng Thượng Đế” được vẽ ở thời kỳ này còn được các nhà sưu tầm lưu giữ đến nay.

Hòa cùng dòng chảy văn hóa dân tộc, tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội phản ảnh đậm nét tư duy sáng tạo của cộng đồng, các tầng lớp xã hội Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII, phản ánh đậm nét những giá trị về tư tưởng và tính nhân văn của người Việt.

Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực